Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xin chữ đầu năm - Nét đẹp văn hóa người Việt

Thanh Hằng| 04/02/2019 10:58

(HNMO) - Xin chữ - cho chữ đầu năm từ lâu đã in sâu vào tiềm thức của người Việt thể hiện tinh thần trọng chữ nghĩa và đề cao truyền thống hiếu học.


Tục xin chữ đầu năm bắt nguồn từ những mong ước cho một năm mới tốt đẹp, bình an và tâm niệm coi trọng chữ nghĩa. Sắc đỏ của giấy, mùi thơm của mực làm cho ngày Tết thêm màu sắc và hương vị. Từ xa xưa, việc xin chữ đầu năm treo trong nhà đã là một việc làm quan trọng của mỗi gia đình. Và đến tận bây giờ, người Việt vẫn giữ phong tục ấy.

Những con chữ được viết bởi các ông đồ trong ngày Tết không chỉ thể hiện tài năng, đức độ của người cho chữ mà nó còn mang ý nghĩa lấy chữ răn mình, truyền tải biết bao giá trị văn hóa, phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan qua những chữ Hán, Nôm của dân tộc.


Gắn với tục xin chữ là tục khai bút năm mới. Các học sĩ xưa, đầu năm mới, thường đốt lư trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và viết lên giấy đỏ. Những nét bút ấy thể hiện sự khởi đầu cho sự viết năm mới, mong muốn học hành đỗ đạt.

Thành ý tốt từ cả người cho và người nhận đã làm nên một phong tục đẹp trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Hằng năm, cứ vào dịp này, tại không gian hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại tái hiện hình ảnh của “Làng sĩ tử” để mọi người hòa mình vào không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.



Nét đẹp truyền thống trong cuộc sống hiện đại


Dù việc xin - cho chữ đầu năm ít nhiều đã thay đổi theo thời gian, song về ý nghĩa thì vẫn còn vẹn nguyên. Ông Lê Thanh Liêm (Câu lạc bộ Thư họa UNESCO Hà Nội) chia sẻ: “Xưa, không nhiều người xin chữ. Cứ mỗi độ năm mới, người ta thường sang nhà hoặc tìm đến ông đồ già để xin một chữ treo Tết. Họ thường là những người biết và hiểu về chữ nghĩa. Nhưng trong cuộc sống bây giờ, người xin chữ nhiều hơn. Họ mong muốn được nói lên mong ước của mình trong năm mới nên gửi gắm nó qua nghệ thuật thư pháp dân tộc".

Viết thư pháp là cách thể hiện vừa gần gũi, vừa trang trọng. Các chữ có hình lấy từ các sự vật hiện tượng của đời sống được thể hiện hài hòa trên giấy bằng nét bút lông uyển chuyển theo tay người viết. Chính điều đó đã làm nên một nét văn hóa cổ truyền đặc sắc của Việt Nam.


Ông đồ mặc áo the, đầu đội khăn xếp với bàn giấy mực và bút viết. Không chỉ cho chữ, các ông đồ còn nói về lịch sử của những con chữ cũng như dấu ấn một thời lều chõng thi cử xưa.

Cùng với không khí vạn vật hòa vào mùa mới thì những nét bút của ông đồ cũng đang tô thắm thêm ý nghĩa ngày xuân. Hoài niệm trong câu đối xuân, cho chữ đã trở thành món quà tinh thần không thể thiếu với người Việt.

Gìn giữ nét đẹp cổ truyền


Cuộc sống càng hiện đại, những giá trị cổ xưa cũng dễ bị mai một đi nhiều, thư pháp cũng không nằm ngoài quy luật ấy. TS Cung Khắc Lược được biết đến là một trong tứ trụ thư pháp gia của Việt Nam và cũng chính ông là người đã đưa Hán Nôm phục hưng sau một thời gian bị rơi vào quên lãng.

Ông đã tự mình ra ngồi vỉa hè Văn Miếu cho chữ. Hơn 20 mùa xuân như vậy, hình ảnh con phố với ông đồ, giấy đỏ nghiên mực đã sống lại trong tiềm thức người dân Việt.

“Mỗi dịp Tết đến xuân về, tôi lại đang học những bài học mùa xuân. Sẽ không bao giờ là đủ với những con chữ trên sách vở, thư pháp là những chiêm nghiệm trong cả cuộc đời người”, TS Cung Khắc Lược chia sẻ.


Hội chữ xuân Kỷ Hợi 2019 đang diễn ra tại hồ Văn, ngoài những ông đồ râu tóc đã bạc còn có sự xuất hiện của những “ông đồ trẻ”. Họ là những người có đam mê với nghệ thuật thư pháp, mong muốn được là thế hệ sau tiếp nối và bảo tồn hình thức nghệ thuật dân tộc này.

Hoàng Tiến Dũng là một nghệ nhân trẻ từ Ninh Bình lên Hà Nội để tham dự Hội chữ xuân năm nay. Gia đình anh có truyền thống từ ông - một quan trong triều Nguyễn xưa rồi đến bố, cả hai đã viết, say mê môn nghệ thuật thư pháp và rồi niềm yêu thích chữ Hán, Nôm cũng lớn dần trong anh từ những ngày còn đi học.

Cho đến bây giờ, với hơn 10 năm trau dồi tập luyện, người nghệ nhân trẻ này đã có thể dùng con chữ của mình để đóng góp vào hoạt động ý nghĩa này tại hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội).


“Say mê và kiên trì là điều quan trọng nhất đối với người trẻ như tôi khi theo đuổi nghệ thuật thư pháp. Tôi có cơ hội được tiếp thu và lĩnh hội nhiều kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước. Càng học sâu, tôi càng thêm trân trọng văn hóa dân tộc mình và mong muốn đóng góp để duy trì, bảo tồn và phát triển nó”, nghệ nhân Hoàng Tiến Dũng nói.

Thổi hồn bằng nét chữ qua nghệ thuật thư pháp là một nét đặc trưng riêng của Việt Nam trong ngày Tết cổ truyền, là một nốt nhạc xuân được tấu lên trong lòng người dân Việt…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xin chữ đầu năm - Nét đẹp văn hóa người Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.