(HNMO) - Sáng 18-9, TAND thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Lê Bạch Hồng và các đồng phạm.
Cùng hầu tòa với bị cáo Hồng còn có các bị cáo Nguyễn Huy Ban (nguyên Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam); Nguyễn Phước Tường (nguyên Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính, nay là Vụ Kế hoạch - Đầu tư, kiêm Kế toán trưởng BHXH Việt Nam); Hoàng Hà, Trần Tiến Vỹ (đều là nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính, BHXH Việt Nam) và Trần Thị Thanh Thủy (nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính, BHXH Việt Nam).
Các bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
HĐXX triệu tập 12 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 5 người làm chứng, 3 điều tra viên. Có 15 luật sư bào chữa cho 6 bị cáo, một luật sư bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho ngân hàng Agribank.
Theo cáo trạng, BHXH Việt Nam được sử dụng nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi của Quỹ BHXH để thực hiện các biện pháp đầu tư, tăng trưởng. Ngày 25-12-2003, ông Lê Văn Sở (khi đó là Tổng Giám đốc Agribank) và ông Nguyễn Huy Ban ký thỏa thuận hợp tác về việc BHXH đồng ý cho Agribank, các chi nhánh cấp 1 và các công ty thuộc Agribank vay vốn.
Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) chỉ là tổ chức tín dụng phi ngân hàng nên không được phép vay vốn của BHXH Việt Nam. BHXH Việt Nam cũng không được phép cho ALC II vay vốn. Tuy nhiên, đầu năm 2018, ông Vũ Quốc Hảo (khi đó là Tổng Giám đốc ALC II) đã gặp ông Nguyễn Huy Ban đặt vấn đề vay vốn. Ông Hảo sau đó ký hai công văn gửi Tổng Giám đốc Agribank đề nghị về việc nhận tiền vay của BHXH Việt Nam.
Căn cứ vào đề nghị của ALC II, ông Nguyễn Thế Bình (khi đó là Tổng Giám đốc Agribank) đã ký phát hành 3 thư bảo lãnh thanh toán để ALC II được nhận vốn của BHXH Việt Nam.
Từ tháng 4-2008 đến tháng 8-2009, các cán bộ BHXH Việt Nam đã lập 14 tờ trình đề nghị ông Nguyễn Huy Ban và ông Lê Bạch Hồng cho ALC II vay vốn từ Quỹ BHXH. Sau bút phê đồng ý của hai người này, 14 hợp đồng BHXH Việt Nam cho ALCII vay 1.010 tỷ đồng đã được thực hiện.
Ngày 31-7-2018, TAND thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố ALC II bị phá sản. Công ty này mới tất toán một hợp đồng ngắn hạn. Còn 13 hợp đồng quá hạn với tổng số tiền nợ BHXH Việt Nam là hơn 1.697 tỷ đồng không có khả năng thanh toán.
Viện Kiểm sát xác định, ông Lê Bạch Hồng đã ký và chỉ đạo thực hiện 3 hợp đồng cho ALC II vay vốn, đến nay không thu hồi được, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 434 tỷ đồng. Ông Nguyễn Huy Ban ký và chỉ đạo thực hiện 11 hợp đồng cho ALC II vay 630 tỷ đồng không đúng đối tượng, không đảm bảo nguyên tắc đầu tư của Quỹ BHXH, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.263 tỷ đồng.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong một tuần, từ ngày 18 đến ngày 24-9.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.