Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xét xử nguyên giám đốc Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội Halico

Theo Việt Nam plus| 08/05/2017 17:16

Từ ngày 4 đến 8-5, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và trốn thuế xảy ra tại Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico).


Các bị cáo trong vụ án gồm: Hồ Văn Hải (sinh năm 1956, trú tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Hạnh (sinh năm 1973, trú tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan Hà Nội) bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."

Cùng ra trước vành móng ngựa trong vụ án này còn có các bị cáo: Hoàng Văn Xưởng (sinh năm 1971, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Hoàng Lân), Đinh Thị Minh Hoa (sinh năm 1974, vợ bị cáo Xưởng), Nguyễn Thị Quỳnh Trang (sinh năm 1980, nguyên chuyên viên Phòng Phát triển thị trường của Halico) và Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1977, nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) đều bị truy tố về tội trốn thuế.

Theo cáo trạng, năm 2008, Hoàng Văn Xưởng thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Hoàng Lân (gọi tắt là Công ty Hoàng Lân) với ngành nghề kinh doanh chính là rượu, bia và nước giải khát. Trong khi đó, từ cuối năm 2006, Hồ Văn Hải giữ chức Giám đốc Halico và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Do có mối quan hệ từ trước, ngay sau khi có tư cách pháp nhân, vợ chồng Xưởng đề xuất và được Giám đốc Halico chấp thuận cho làm trung gian xuất khẩu rượu Vodka sang Lào.

Thực hiện xuất khẩu rượu, ngày 28-11-2008, Công ty Hoàng Lân ký hợp đồng mua lô hàng rượu Vodka đầu tiên với Halico.

Tiếp đến, từ ngày 17-12 đến 30-12-2008, Halico đã cung cấp cho đối tác hơn 5.000 thùng rượu để xuất khẩu sang nước láng giềng với giá ưu đãi. Tuy nhiên, Xưởng cùng vợ là Đinh Thị Minh Hoa đã không hề đưa hàng hóa qua biên giới mà tuồn lại thị trường nội địa tiêu thụ hết.

Năm 2009, Công ty Hoàng Lân tiếp tục làm thủ tục xuất khẩu tổng cộng hơn 22.000 thùng rượu Vodka sang thị trường Lào nhưng trên thực tế toàn bộ số hàng hóa này vẫn được tung ra thị trường Việt Nam tiêu thụ.

Nắm được cách thức làm ăn không lành mạnh của vợ chồng Xưởng, một số đại lý rượu trong nước phản đối, khiến Halico phải tạm dừng làm ăn với Công ty Hoàng Lân. Một thời gian ngắn sau, Giám đốc Công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội Hồ Văn Hải lại đồng ý nối lại mối quan hệ làm ăn với vợ chồng Xưởng.

Để việc kinh doanh bất chính thuận lợi, vợ chồng Xưởng bàn bạc và thỏa thuận ăn chia lợi nhuận với một số cán bộ của Halico, trong đó có Nguyễn Thị Quỳnh Trang.

Mặt khác, thông qua giới thiệu của nhân viên Agribank Nguyễn Thị Thủy, Xưởng có mối quan hệ với Nguyễn Thị Kim Hạnh (nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan Hà Nội). Từ đây, Hạnh trở thành “tay trong," chuyên hoàn thiện thủ tục hải quan cho doanh nghiệp làm ăn bất chính. Với thủ đoạn tinh vi nêu trên, từ năm 2008 đến khi bị phát hiện (tháng 9-2012), vợ chồng Hoàng Văn Xưởng cùng các đồng phạm đã trốn khoảng 10 tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hồ Văn Hải luôn khẳng định mình bị oan. Bị cáo Hải khai không có hành vi chỉ đạo cấp dưới bán rượu xuất khẩu cho công ty của vợ chồng Xưởng. Hồ sơ bán rượu là do các phòng, ban lập và ông Hải ký. Các bị cáo khác cũng khai không bàn bạc với ông Hải việc trốn thuế và ăn chia lợi nhuận. Khoản tiền 300 triệu đồng mà ông Hải nhận chỉ là quà biếu và biếu nhiều lần, không phải một lần.

Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan, Hội đồng xét xử cho rằng bị cáo Hải không có động cơ vụ lợi, không chủ động trốn thuế nên không phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tuy nhiên, do bị cáo Hải biết công ty của Xưởng tiêu thụ một phần rượu trong nước nhưng không kiểm soát, kiểm tra tức là không thực hiện nhiệm vụ của mình dẫn đến thất thoát tiền thuế của nhà nước. Từ nhận định này, Hội đồng xét xử đã tuyên Hồ Văn Hải phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và phải nhận mức án 36 tháng tù.

Với bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh, Hội đồng xét xử cho rằng Hạnh không có chức năng và quyền hạn để lập khống hồ sơ nên không phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” như cáo trạng truy tố.

Hội đồng xét xử tuyên Hạnh là đồng phạm với Hoàng Văn Xưởng về tội “trốn thuế."

Tòa đã tuyên án phạt các bị cáo còn lại gồm: Xưởng, Hoa, Trang, Thủy, Hạnh lần lượt nhận các mức án từ 42 tháng tù giam đến 20 tháng tù treo về cùng tội “trốn thuế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử nguyên giám đốc Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội Halico

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.