Ngày 4-11, Toà án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh mở phiên toà xét xử phúc thẩm xem xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) - giai đoạn 1.
Trước đó, ngày 11-4-2024, bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm bị Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên án sơ thẩm về các tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Tham ô tài sản”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Tại án sơ thẩm, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên án bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; tử hình về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Sau bản sán sơ thẩm, bị cáo Lan và 47 bị cáo khác có đơn kháng cáo, trong đó bị cáo Lan kháng cáo toàn bộ bản án, nhiều bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngoài xem xét kháng cáo của bị cáo Lan và 47 đồng phạm, Toà án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh còn xem xét kháng cáo của bị hại là Ngân hàng SCB cùng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, ông Nguyễn Sơn Hoa, Công ty cổ phần T&H Hạ Long, Công ty Âu Lạc Quảng Ninh…
Theo ghi nhận của phóng viên, hơn 6h sáng cùng ngày, xe chở bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 47 bị cáo khác đến Toà án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước cổng tòa, lực lượng cơ động, công an đã có mặt để giữ an ninh trật tự.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên và các thẩm phán Phạm Công Mười, Lê Thành Long. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa có ông Võ Phong Lưu, ông Đặng Quốc Việt và ông Đỗ Phước Trung.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng nhiều công ty khác hoạt động theo mô hình tập đoàn, lấy Vạn Thịnh Phát làm trung tâm, kiểm soát hoạt động của các công ty còn lại.
Sau khi biết 3 ngân hàng là SCB, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ Nhất mất khả năng thanh khoản buộc phải hợp nhất hoặc mua lại, bị cáo Trương Mỹ Lan đã nhờ nhiều người thân, bạn bè đứng ra mua một lượng lớn cổ phần. Tính đến tháng 10-2022, bị cáo Lan đã thâu tóm, nắm giữ khoảng 91,5% cổ phần tại Ngân hàng SCB.
Dù không nắm giữ chức vụ nào trong Ngân hàng SCB nhưng do sở hữu 91,5% cổ phần của SCB nên bị cáo Trương Mỹ Lan có quyền chi phối, quyết định các vấn đề của ngân hàng này và trở thành người quyết định cao nhất tại SCB.
Với vai trò là cổ đông gần như tuyệt đối của Ngân hàng SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị cáo là lãnh đạo Ngân hàng SCB như Bùi Anh Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị), Trương Khánh Hoàng (Quyền Tổng Giám đốc), Trần Thị Mỹ Dung (Phó Tổng Giám đốc), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc)… rút tiền ra khỏi SCB để phục vụ mục đích của mình, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn cho Ngân hàng SCB.
Bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho Ngân hàng SCB dư nợ của 1.243 khoản vay (tính đến ngày 17-10-2022), tương đương số tiền là 673.800 tỷ đồng.
Phiên toà dự kiến kéo dài đến ngày 25-11.
Trước đó, ngày 17-10, bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm còn bị Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Tòa phạt bị cáo Lan tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân về 3 tội danh gồm: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tù chung thân); “Rửa tiền” (12 năm tù); “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” (8 năm tù). Tổng hợp hình phạt giai đoạn 2 đối với bị cáo Trương Mỹ Lan là chung thân.
Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Lan bồi thường toàn bộ hơn 30.869 tỷ đồng cho hơn 35.800 người bị hại. Theo bản án, bị cáo Lan và 33 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 30.000 tỷ đồng của trái chủ, rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới khoảng 106.730 tỷ đồng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.