(HNMO) - Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) là vấn đề của toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, đời sống và tương lai của giống nòi. Việt Nam hiện có khoảng trên 12 triệu người mang gen bệnh Thalassemia và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời.
Đó là thông tin tại chương trình kỷ niệm Ngày Thalassemia thế giới 8-5: “Thalassemia Beauty Day” với thông điệp “Vẻ đẹp từ trái tim” do Viện Huyết học - Truyền máu trung ương phối hợp với Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam tổ chức.
Bệnh Thalassemia đã được đưa vào danh sách các bệnh cần sàng lọc trước sinh và Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về sàng lọc, chẩn đoán trước sinh Thalassemia. Theo thống kê, mỗi năm, cả nước cần có trên 2.000 tỷ đồng để cho tất cả bệnh nhân có thể được điều trị tối thiểu và cần khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn. Một người bệnh mức độ nặng từ khi sinh ra đến 21 tuổi cần truyền khoảng 470 đơn vị máu để duy trì đời sống.
Ngày Thalassemia thế giới năm nay mang thông điệp: “Để bắt đầu kỷ nguyên mới đối với bệnh tan máu bẩm sinh, cần thực hiện ngay nỗ lực toàn cầu để người bệnh tiếp cận được các phương pháp chữa trị mới với chi phí hợp lý hơn”. Bởi Thalassemia tuy là một bệnh mạn tính, người bệnh phải điều trị suốt đời rất tốn kém và gây ra nhiều gánh nặng tinh thần cho cả gia đình người bệnh, nhưng lại là bệnh có thể chủ động phòng ngừa qua xét nghiệm tầm soát cơ bản, chi phí thấp. Tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, chất lượng chẩn đoán, sàng lọc người mang gen và điều trị Thalassemia đã ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ở Việt Nam cũng đã triển khai có hiệu quả nhiều phương pháp chẩn đoán trước sinh hiện đại như: Chẩn đoán trước sinh sau khi mang thai, thụ tinh nhân tạo và chẩn đoán trước chuyển phôi, giúp nhiều cặp vợ chồng cùng mang gen Thalassemia sinh ra những em bé không mắc bệnh. Trong thời gian tới, nếu việc xét nghiệm tầm soát gen bệnh được thực hiện với tất cả các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ và tiền hôn nhân thì sẽ là biện pháp hiệu quả và tiết kiệm nhất để phòng tránh căn bệnh này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.