Ngày 27-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến công tác tại tỉnh Khánh Hòa để tìm hiểu đời sống, tình hình sản xuất của bà con ngư dân cũng như việc đầu tư, hỗ trợ cho nghề cá theo Nghị định 67/CP về một số chính sách mới phát triển thủy sản.
Tại thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã thăm gia đình ngư dân Trần Văn Đạt - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phước Đồng, Ngư đội trưởng Ngư đội Song Tử Tây. Cùng ngày, Chủ tịch nước cùng Đoàn công tác Trung ương đã đến thăm xưởng đóng tàu của Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy, thuộc Trường Đại học Nha Trang (UNINSHIP) - nơi đang đóng nhiều tàu cá vỏ composite cho ngư dân tỉnh Khánh Hòa và nhiều tỉnh khác.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kiểm tra dịch vụ hậu cần nghề cá cảng Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung Bộ. Ảnh: Người lao động |
Thăm hỏi hoạt động đánh cá trên biển, khai thác chế biến kinh doanh của bà con ngư dân, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm những vấn đề liên quan việc vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 và việc khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản, để bảo đảm hiệu quả cao và bền vững.
Giải đáp những kiến nghị của ngư dân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Khánh Hòa cùng các cơ quan liên quan sớm xúc tiến xây dựng Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Nam Trung bộ, theo quy hoạch đã được phê duyệt. Chủ tịch nước đề nghị, qua thành công của các con tàu composite đóng theo công nghệ Nhật Bản, các cơ quan cần khảo nghiệm kỹ tính năng của các con tàu trong thực tế, qua đó, hoàn thiện tìm ra mô hình phù hợp nhất cho ngư dân cả về giá cả, tiện nghi, vận hành, tiêu thụ năng lượng, bảo quản sản phẩm công nghệ mới cho ngư dân.
Đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ mới vào đóng tàu mang lại hiệu quả cho ngư dân, Chủ tịch nước đề nghị, để ngư dân có vốn đóng tàu mới, đặc biệt là vay vốn theo Nghị định 67, cần lựa chọn các doanh nghiệp, các chủ tàu làm ăn có hiệu quả, có điều kiện về tài chính và phương án sản xuất mang tính khả thi cao, tránh trường hợp đóng tàu xong khai thác không hiệu quả, phải nằm bờ; đồng thời nghiên cứu kỹ trữ lượng, ngư trường, năng lực đánh bắt, không tăng ồ ạt số tàu đánh bắt xa bờ, mà cần lựa chọn các nghề phù hợp, kết hợp nâng cấp, cải hoán số tàu hiện có. Việc triển khai chính sách cần căn cứ vào thực tiễn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho bà con ngư dân để đưa chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.