Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Xe xanh" - Hướng mở bảo vệ môi trường

Phương Nhi| 15/05/2017 07:10

(HNM) - Phát triển xe thân thiện môi trường -

Du khách tham quan hồ Hoàn Kiếm bằng xe điện.


Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016 thì nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí ở đô thị là do hoạt động giao thông vận tải (chiếm khoảng 70-90%), tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp và sinh hoạt (khoảng 10-30%).

Theo tiêu chuẩn cho phép của thế giới về đánh giá chất lượng không khí (AQI), mức độ sạch của không khí từ 150 đến 200 điểm đã bị coi là ô nhiễm, từ 201 đến 300 là cực kỳ cấp bách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ số trong ngày lúc nào cũng ở mức 152-156, còn vào giờ giao thông cao điểm lên tới trên 200 điểm.

Xe gắn máy đang được coi là “thủ phạm” chính gây ô nhiễm không khí. Theo thống kê mới nhất, hiện trên toàn quốc có gần 45 triệu xe máy và 2,7 triệu ô tô đã đăng ký và chưa kể xe chưa đăng ký nhưng vẫn lưu hành. Một tính toán khác tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, xe máy chiếm 95% về số lượng và chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra nhiều chất độc hại như 94% Hydrocarbon (HC); 87% carbon ôxít (CO); 57% ôxít Nitơ (Nox)... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.

Trước thực trạng trên, một trong những biện pháp được nhiều chuyên gia đồng tình, chính là cần xây dựng chiến lược phát triển "xe xanh". Theo TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế, việc này cần làm ngay vì hiện nay lượng xe ô tô tại Việt Nam vẫn chưa nhiều và đang trên đà tăng nhanh ở mức khởi điểm. Theo TS Vũ Đình Ánh, không chỉ người tiêu dùng mà cả Nhà nước và doanh nghiệp đều cùng hưởng lợi từ việc phát triển "xe xanh". Dòng xe hybrid giúp giảm khói bụi, khí thải nhà kính và sức ép đến nguồn tài nguyên hóa thạch. Với doanh nghiệp, mà cụ thể là các nhà sản xuất xe hơi, khi thị trường đón nhận xe hybrid, họ sẽ tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua nghiên cứu, phát triển công nghệ.

Hiện nay, Việt Nam đã khuyến khích việc phát triển dòng xe này. Cụ thể, trong chiến lược và quy hoạch ngành ô tô Việt Nam tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các loại “xe xanh” và thân thiện với môi trường. Hay như Điều 7, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được ban hành cách đây 10 năm khuyến khích việc sử dụng "xe xanh" cũng quy định rất rõ việc xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng thì thuế suất thuế TTĐB bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có mẫu xe thân thiện với môi trường nào được hưởng các chính sách trên. Nguyên nhân vì Bộ Tài chính chỉ coi xe sử dụng năng lượng điện kết hợp với xăng, có hệ thống nạp điện ở ngoài là xe thân thiện môi trường (xe xanh). Như vậy, tức là xe hybrid truyền thống, với hệ thống chuyển đổi từ xăng sang điện, không được thừa nhận là "xe xanh" và không nằm trong diện được áp dụng mức thuế TTĐB ưu đãi thấp hơn 20% so với xe thông thường cùng chỗ ngồi (theo Luật Thuế TTĐB năm 2016).

Đây được coi là một bất cập trong chính sách ưu đãi dành cho xe thân thiện môi trường, vì xe có hệ thống sạc điện ngoài (xe hybrid sạc điện, xe chạy điện hoàn toàn...) hiện chưa phù hợp với hạ tầng giao thông Việt Nam, đòi hỏi sự đầu tư lớn để xây dựng hệ thống trạm sạc điện cho xe. Trong khi đó, xe hybrid truyền thống tạo ra năng lượng điện từ máy phát động cơ xăng làm việc thông qua động cơ đốt trong và năng lượng thu hồi (xe xuống dốc, phanh, xe dừng và động cơ đốt trong hoạt động sinh ra điện) lại chưa được công nhận là "xe xanh".

Đó là những hạn chế cần thay đổi để các doanh nghiệp ô tô và người tiêu dùng thực sự được hưởng lợi từ các quy định hay mức thuế này, qua đó tạo sự chuyển dịch trên thị trường ô tô trong nỗ lực bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Xe xanh" - Hướng mở bảo vệ môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.