(HNNN) - Sau một thời gian hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh và nhận được kết quả khả quan, dự án Xe đạp công cộng đang được triển khai tại Hà Nội với kỳ vọng làm thay đổi thói quen đi lại của người dân, góp phần định hình giao thông xanh ở Thủ đô. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những bất cập về hạ tầng, hành lang pháp lý bảo vệ người đi xe đạp đang khiến dự án “xe đạp công cộng” gặp không ít rào cản.
Những chuyển động ban đầu
Sau một thời gian nghiên cứu, đánh giá việc phát triển xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng ở thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã cho rằng việc phát triển và sử dụng xe đạp công cộng là cần thiết. Mạng lưới xe đạp công cộng đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa loại hình vận tải hành khách công cộng trên địa bàn, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, xe đạp công cộng bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt, ga đường sắt đô thị thuận tiện hơn.
Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý giao Sở GTVT Hà Nội xây dựng dự án phát triển xe đạp công cộng để thực hiện tại một số quận trung tâm. Sắp tới, dịch vụ này sẽ ra mắt tại Hà Nội qua 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu, thí điểm từ năm 2022 - 2023 sẽ triển khai 1.000 xe (trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện), bố trí 70 - 80 điểm tại các quận trung tâm. Giai đoạn 2 từ năm 2023 - 2024, sẽ mở rộng vùng phục vụ với 3.000 xe, bố trí tại 350 điểm.
Khác với dịch vụ cho thuê xe đạp thông thường, dịch vụ này được quản lý bằng công nghệ, sử dụng nguồn năng lượng sạch từ pin mặt trời để hoạt động. Việc sử dụng dịch vụ khá đơn giản, người dùng chỉ cần cài đặt ứng dụng TNGO về điện thoại rồi đăng ký và đăng nhập tài khoản bằng số điện thoại, nạp tiền vào tài khoản thông qua các cổng thanh toán Momo, ZaloPay, VTCPay... sau đó bấm vào nút mở khóa trên ứng dụng và quét mã QR gắn trên xe để mở khóa là có thể dễ dàng lấy xe ở một trạm bất kỳ để di chuyển và gửi trả xe ở trạm khác. Giá vé 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút được đánh giá là khá phù hợp với khả năng chi tiêu của người dân Thủ đô. Với những thuận tiện nêu trên, xe đạp công cộng được kỳ vọng trong tương lai sẽ là dịch vụ để hỗ trợ, kết nối các phương thức giao thông công cộng, phục vụ phát triển du lịch của thành phố, đồng thời góp phần hình thành văn hóa giao thông thân thiện, không khói, gắn công nghệ với tiện ích đô thị.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung (nhà ở quận Hà Đông) cho biết: “Hằng ngày tôi đi làm từ nhà đến cơ quan ở quận Hoàn Kiếm bằng xe máy. Quá trình đi lại rất vất vả vì thường xuyên xảy ra tắc đường, khói bụi... Dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng đi vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại của tôi. Khi đó, tôi sẽ kết hợp việc thuê xe đạp và di chuyển bằng phương tiện đường sắt trên cao”.
Còn nhiều rào cản
Cũng phải nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội triển khai dịch vụ xe đạp công cộng. Từ năm 2014, Hà Nội tiến hành thí điểm đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại 4 điểm trường: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Thương mại và Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Mục tiêu của đề án là góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn nhiên liệu để hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp. Đặt nhiều kỳ vọng là vậy nhưng trên thực tế, sau thời gian triển khai thực hiện, các điểm cho thuê xe đạp chỉ hoạt động trong một thời gian rất ngắn rồi “đắp chiếu” do ế khách và thiếu nguồn lực để duy trì dịch vụ. Rõ ràng, việc “tắt lịm” sau rất nhiều tâm huyết thực hiện thí điểm năm 2014 của dự án xe đạp công cộng ở Hà Nội đã tạo áp lực nhất định lên dự án xe đạp công cộng trong lần quay trở lại này.
Thực tế cho thấy, với đặc điểm hạ tầng giao thông của Hà Nội như hiện nay, việc khuyến khích dùng xe đạp để giảm phương tiện cá nhân, bảo vệ môi trường hiện còn gặp nhiều rào cản. Đơn cử, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đường phố đông đúc, xe đạp tuy chiếm diện tích ít nhưng tốc độ chậm nên có thể trở thành nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao, nhiều người điều khiển phương tiện chưa tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, vẫn còn hiện tượng phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... Do vậy, khi xe đạp công cộng được đưa vào hoạt động, bức tranh giao thông của Hà Nội chưa chắc đã bớt rối ren khi người điều khiển xe đạp vẫn giữ thói quen cũ. Đó là chưa kể Hà Nội chưa có đường dành riêng cho xe đạp, các bãi để xe theo dự kiến chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân. Ông Đoàn Ngọc Bảo (phố Lãn Ông, Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Dự án xe đạp công cộng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân bởi ít trạm để xe, mới chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đi chơi, phục vụ du lịch là chính chứ chưa đáp ứng được nhu cầu dùng xe đạp để đi học, đi làm của nhiều người. Nếu như có nhiều trạm để xe hơn thì việc mượn chỗ nọ, trả chỗ kia mới thuận tiện”.
Đưa xe đạp đô thị đến gần hơn với người dân
Phải khẳng định rằng, xe đạp đô thị là một trong những giải pháp giao thông bền vững của Hà Nội, và cũng là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để xe đạp công cộng trở thành phương tiện giao thông của tương lai, theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT: “Chúng ta cần xây dựng văn hóa giao thông chuẩn mực, giúp người dân hình thành thói quen văn minh, không phóng nhanh vượt ẩu, không vượt đèn đỏ, không đi ngược chiều, không đi lên vỉa hè... Thêm vào đó, việc hình thành thói quen đạp xe thay vì đi xe máy cũng cần một khoảng thời gian dài bởi hiện tại, đa số người dân Thủ đô “lười” đi bộ và đạp xe. Vì vậy, với mô hình xe đạp công cộng, chúng ta cần tiến hành khảo sát rộng rãi về nhu cầu trên địa bàn để triển khai dự án phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, cần mở rộng việc thu hút đầu tư, nhất là đẩy mạnh xã hội hóa để tăng số lượng phương tiện, quy mô điểm trạm, đưa xe đạp đô thị đến gần hơn với người dân”.
Xe đạp là phương tiện phù hợp để kết nối các mạng lưới giao thông với nhau. Nếu chúng ta hình thành một mạng lưới các điểm xe đạp công cộng tương đối thuận lợi, kết nối các điểm đỗ xe, vị trí đặt trạm của xe đạp công cộng với các phương tiện giao thông công cộng khác thì sẽ giúp tăng thêm tiện ích cho hệ thống vận tải hành khách. Hơn nữa, nếu các điểm đỗ xe, vị trí đặt trạm xe đạp công cộng dễ tìm, dễ nhận biết và dễ sử dụng thì dần dần xe đạp công cộng sẽ là phương tiện không thể thiếu trong mạng lưới giao thông tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.