Đô thị

Phát triển xe đạp công cộng: Dư địa nhiều, thách thức lớn

Tuấn Lương 05/12/2023 - 06:19

Loại hình xe đạp công cộng đang trong giai đoạn thí điểm tại Hà Nội, bước đầu đã cho những kết quả tích cực.

Khẳng định dư địa cho xe đạp công cộng phát triển vẫn còn rất lớn, song các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý cho rằng, đi kèm với đó là nhiều thách thức, từ cơ chế chính sách, hạ tầng đến yếu tố khí hậu, thói quen đi lại của người dân…

xe-dap.jpg
Số người sử dụng xe đạp công cộng tại thành phố Hà Nội chiếm trên 50% của cả nước. Ảnh: Nguyễn Quang

Dần tạo được niềm tin

Ngày 24-8-2023, được sự chấp thuận của UBND thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam chính thức đưa dịch vụ xe đạp công cộng với 1.000 phương tiện vào hoạt động thí điểm tại 79 điểm, thuộc 6 quận nội thành của Thủ đô. Các trạm xe được bố trí gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, điểm du lịch, bảo đảm cho người dân có thể đi bộ và tiếp cận dịch vụ thuận lợi.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam Đỗ Bá Dân cho biết, Hà Nội là địa phương thứ 6 trên cả nước có loại hình này, sau thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Hải Dương, Bình Định; trong đó, số người sử dụng xe đạp công cộng tại Hà Nội nhiều nhất, chiếm trên 50%. Theo thống kê, chỉ sau hơn 2 tháng triển khai dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn Thủ đô đã có hơn 100.000 người đăng ký sử dụng qua ứng dụng với gần 135.000 chuyến đi; gần 1 triệu ki lô mét di chuyển và trung bình có 2.000 lượt di chuyển/ngày.

Không chỉ góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường, dịch vụ xe đạp công cộng còn trở thành phương tiện kết nối hiệu quả giữa các loại hình giao thông công cộng. Trí Nam có kế hoạch trong năm 2024 sẽ mở rộng ra các quận, huyện khác, như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông…

Cũng theo ông Đỗ Bá Dân, mục tiêu của Trí Nam ngay từ đầu là xe đạp công cộng phải có sự phát triển rộng hơn, nhiều trạm xe hơn. Trí Nam đã đề xuất quy hoạch mạng lưới đường dành riêng cho xe đạp, ưu tiên cho xe đạp và mong muốn cơ quan nhà nước hỗ trợ mở thêm các điểm, trạm. Có như vậy người dân sẽ cảm thấy an toàn và hứng thú với việc đi xe đạp.

Bày tỏ sự thích thú với loại hình xe đạp công cộng, Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ: “Người dùng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh tải ứng dụng (app), nạp tiền là sử dụng được dịch vụ. Các điểm bố trí thuận lợi, giá thuê xe rất rẻ, đi học hay đi chơi bằng xe đạp công cộng cũng thuận lợi”.

xe-dap-1.jpg
Người dân tìm hiểu dịch vụ xe đạp công cộng tại Vườn hoa Lý Tự Trọng (quận Tây Hồ). Ảnh: Minh Trang

Còn nhiều tiềm năng phát triển

Các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá rất cao mô hình xe đạp công cộng triển khai tại 6 tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội. Những kết quả bước đầu vừa qua đã củng cố quan điểm xe đạp công cộng là bước đi đúng và hợp lý. Để xe đạp công cộng phát triển, trong thời gian thí điểm, Hà Nội đã cấp phép cho Trí Nam gần 80 điểm làm trạm xe, ưu tiên ở những vị trí tốt nhất trong khu vực các quận nội thành, đặc biệt các khu vực gần nhà ga, bến tàu, trường học, công viên, trung tâm mua sắm, khu du lịch...

Tuy nhiên, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Phan Trường Thành cũng lưu ý về những thách thức trong quá trình phát triển. Cụ thể, thời điểm thí điểm là vào mùa thu nên thời tiết thuận lợi cho di chuyển xe đạp công cộng. Do đó cần thử nghiệm trong cả năm bao gồm cả mùa hè, mùa đông… để có thể đánh giá toàn diện trong tất cả các điều kiện thời tiết, từ đó đưa ra các mặt mạnh tích cực cũng như bất cập.

Đối tượng hành khách sử dụng app hiện nay chủ yếu là người trẻ, còn người già chưa tiếp cận được công nghệ. Do đó, doanh nghiệp phải nghiên cứu để áp dụng rộng rãi công nghệ, vì nếu không sẽ làm khó cho một số đối tượng.

Đây là dự án thí điểm quy mô lớn, song hạ tầng dành riêng cho xe đạp chưa đồng bộ, các nghiên cứu chuyên sâu về hạ tầng chưa có và cũng thiếu cả thể chế pháp lý cho dịch vụ này. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang nghiên cứu hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp và đủ điều kiện sẽ triển khai vào năm 2024.

Thứ nhất là đường chạy dọc sông Tô Lịch, có đường dành cho người đi bộ và có thể tận dụng để triển khai. Tiếp theo là hệ thống vỉa hè quanh Công viên Hòa Bình, mở rộng các không gian, tiếp cận các khu vực vui chơi du lịch, văn hóa, mua sắm...

Nhấn mạnh dư địa cho xe đạp công cộng còn rất lớn, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, định hướng từ nay đến năm 2035, Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị với tổng cộng 417km trên 10 tuyến. Ngoài ra, Sở cũng đang tổng rà soát toàn bộ mạng lưới tuyến buýt trên địa bàn. Trong tương lai, phần khung chính của vận tải công cộng vẫn là đường sắt đô thị, xe buýt. Đây là xương sống cơ bản, bên cạnh đó là hệ thống đường sắt khối lượng nhẹ, buýt nhanh BRT. Xe đạp công cộng là mắt xích để kết nối, gom khách đi vào đầu mối tập trung đi vào đường lớn.

“Trong các loại hình vận tải công cộng hiện nay, xe đạp là loại hình cung ứng tốt. Hiện vẫn còn khoảng trống từ nhà đến các nhà ga. Điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ vận tải hành khách công cộng còn nhiều bất cập, trở ngại. Một số ngõ nhỏ, xe buýt không thể tiếp cận nên phương tiện chính của người dân là xe máy. Do đó, cần hướng tới chuyển đổi đi xe máy sang đi bộ hoặc xe đạp. Hành lang giao thông mới là những mảnh đất màu mỡ để khảo sát và mở rộng mạng lưới vận tải xe đạp công cộng”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải góp ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển xe đạp công cộng: Dư địa nhiều, thách thức lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.