1. Cuối tuần qua, thêm một lần nữa vấn đề trật tự và văn minh đô thị được đề cập khi Báo Hànộimới phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tổ chức tọa đàm trực tuyến về "Năm trật tự và văn minh đô thị 2015" - một nội dung hành động trọng tâm của TP Hà Nội trong năm nay, tiếp ngay sau "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014" đã cho thành quả bước đầu.
Sau buổi tọa đàm, chuyên mục "Luận bàn & Hành động" trên trang 1 của Báo Hànộimới hằng ngày đăng tải bài viết của tác giả Thế Phương với tựa đề "Muốn có văn minh đô thị, phải có nếp sống đô thị". Cách đặt vấn đề của tác giả hợp lý ở chỗ bởi nó liên quan đến giải pháp tháo gỡ một vấn đề xã hội đang được tất cả mọi người quan tâm - trăn trở có, bức xúc có. Đó là vấn đề trật tự và văn minh đô thị - một vấn đề mà không phải lúc nào cũng được nhận diện một cách nhất quán, thể hiện qua từng hành động cụ thể. Văn minh đô thị và nếp sống đô thị, hai khái niệm khác nhau nhưng gắn bó chặt chẽ với nhau, cái sau được cho là có ý nghĩa tiền đề cho cái trước dù nội hàm của khái niệm văn minh đô thị không chỉ liên quan đến nếp sống đô thị. Nói một cách khác, muốn xây dựng đô thị văn minh thì phải chăm chút cho cơ sở nền móng hình thành nên nó, trong đó có nếp sống đô thị. Nhận thức đúng sẽ dẫn lối cho giải pháp đúng, trình tự đúng, hành động đúng, đem lại hiệu quả cần thiết; và ngược lại sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại.
Chỉ thị về "Năm trật tự và văn minh đô thị" là một chủ trương lớn, hướng tới mục tiêu lập lại trật tự kỷ cương, xây dựng nếp sống văn hóa và con người Thủ đô văn minh, thanh lịch. Đích đến là vậy, chắc hẳn chỉ có thể là kết quả của một hành trình dài lâu, khó khăn, thông qua việc kiên trì giải pháp cho một loạt nhóm vấn đề quan trọng liên quan. Xét theo sự "nóng" thể hiện trong đời sống xã hội, những vấn đề được ưu tiên phải là xây dựng con người văn minh, thanh lịch; thiết lập trật tự đô thị bền vững; giữ gìn và làm đẹp thêm cảnh quan đô thị. "Chẻ nhỏ" ba phần việc quan trọng đó, ta sẽ thấy một loạt nhiệm vụ thành phần, như xây dựng lối sống, nếp sống, ý thức tuân thủ luật pháp và quy ước ứng xử của người Hà Nội đã được thừa nhận rộng rãi; bảo
đảm trật tự an toàn giao thông, môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội… Ngẫm kỹ những điều trên, có thể thấy căn cốt vấn đề - liên quan đến giải pháp và hiệu quả - phụ thuộc phần lớn vào tư duy và giải pháp quản lý, ý thức tham gia thực hiện chủ trương lớn của nhân dân. Yếu tố con người thể hiện rõ, cho thấy nhiệm vụ xây dựng con người đô thị văn minh giữ vai trò trung tâm, xây dựng văn hóa đô thị là giải pháp mang tính cốt lõi. Ngoài nhiệm vụ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, việc chăm lo tốt hai phần việc này có ý nghĩa tạo nền móng vững chắc cho sự hình thành đô thị văn minh, hiện đại.
Có một điều đáng chú ý trong buổi tọa đàm trực tuyến về chủ đề "Năm trật tự và văn minh đô thị 2015" do Báo Hànộimới tổ chức vào cuối tuần qua: Trong phần trả lời câu hỏi của bạn đọc gửi tới, bên cạnh sự thừa nhận sự hạn chế nhất định trong việc thực hiện giải pháp quản lý ngành, đại diện một số sở, ngành, đơn vị đã đưa ra lời đề nghị nhân dân Hà Nội chia sẻ với cơ quan chức năng về những khó khăn khách quan mà họ gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà thành phố giao. Như về giao thông là mô hình "ngõ nhỏ, lối nhỏ nhằng nhịt như ô bàn cờ", là hệ thống đèn tín hiệu chưa đồng bộ; những điểm ùn tắc hình thành do yêu cầu ngăn đường để xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, do áp lực giao thông tại Hà Nội ở nhiều thời điểm rất nặng nề, chủ yếu vì lượng người đổ về Thủ đô quá đông... Dường như cái sự đề nghị nhân dân "chia sẻ khó khăn" có vẻ khiêm tốn thay vì thẳng thắn đề nghị một bộ phận người Hà Nội tự điều chỉnh hành vi, phát huy tinh thần chủ động tham gia thực hiện nhiệm vụ tạo dựng trật tự kỷ cương đô thị, có cách ứng xử phù hợp nhằm góp phần xây dựng đô thị văn minh. Nhiều khi việc yêu cầu tuân thủ cũng phải tế nhị bằng một hình thức "chia sẻ". Tại sao vậy? Phải chăng lâu nay sự phản ứng đổ lỗi tất cả cho cơ quan quản lý đang trở thành "xu thế"?
Cần nhắc lại rằng, người Hà Nội là một phần quan trọng không thể tách rời của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, là chủ thể và là đối tượng hướng tới trong mọi mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đáng tiếc là một bộ phận không nhỏ người Hà Nội cũng là nhân tố dẫn đến tình trạng rối loạn giao thông, phố phường nhếch nhác, kỷ cương đô thị bị xâm phạm. Bởi vậy, nói một cách thẳng thắn và trách nhiệm, chúng ta - trước hết là cư dân Hà Nội, cần phải tự nhận thấy trách nhiệm tham gia vào quá trình kiến thiết Thủ đô, bằng cách tôn trọng kỷ cương, ứng xử văn minh với môi trường tự nhiên và xã hội…
2. Khi coi nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người ở vị trí trung tâm, với ý nghĩa tạo nền cho mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hẳn nhiên là phải có giải pháp phù hợp cho việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Với Hà Nội, mục tiêu và giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng con người mang tính đặc thù, vừa kế thừa thành quả trí tuệ của nhân loại vừa bảo vệ tinh hoa truyền thống của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình. Quá trình ấy chỉ diễn ra hoàn hảo khi dựa trên hệ giải pháp linh hoạt, tôn trọng tính liên tục của văn hóa, quan điểm biện chứng về truyền thống và hiện đại. Nói cách khác, mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại đòi hỏi giải pháp linh hoạt, cho phép Hà Nội thay đổi mà không làm mất đi hình thái văn hóa độc đáo, con người Hà Nội không mất đi lề lối ứng xử thanh lịch, không tự tha hóa. Nguyên tắc chung ấy phù hợp với chủ trương giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới mà Đảng đã đề ra.
Trong thực tế, về mặt giải pháp, đến nay, những gì đã đề ra, đã và đang thực hiện trong phạm vi cả nước, trong đó có Hà Nội như phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, với những mô hình cụ thể như "Gia đình văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa", "Đơn vị văn hóa"…, cho thấy hiệu quả tích cực, tuy nhiên chưa được như mong muốn. Chúng ta đã phải điều chỉnh mục tiêu liên quan đến tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa" nhằm chống lại "bệnh thành tích", "bệnh hình thức". Chúng ta đang loay hoay với dự thảo Bộ tiêu chí quốc gia thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chủ yếu do hệ tiêu chí được đưa ra chưa sát với thực tế, thiếu tính khả thi. Khung tiêu chí về người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được hình thành, được các ngành, đoàn thể, địa phương cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng nơi nhưng chưa thể hiện hiệu quả rõ ràng trong thực tế. Những hạn chế lớn nhất nằm ở khâu vận hành, triển khai thực hiện những gì đã được đề ra, trong đó, quan trọng nhất là sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các ngành còn thiếu chặt chẽ, những giải pháp bổ trợ được thực hiện thiếu mạch lạc, không đủ mức cần. Hơn nữa, sự thiếu hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ thiết lập lại trật tự kỷ cương, xây dựng đô thị văn minh cũng như phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống do nhiều nguyên nhân, trong đó, điều quan trọng là ý thức tham gia của cộng đồng chưa thể hiện rõ tính tự giác, chủ động. Đó là điểm hạn chế lớn, bởi đô thị văn minh không tách rời con người văn minh, cách ứng xử đối với môi trường tự nhiên và xã hội của cư dân quyết định bộ mặt đô thị.
Thiết lập lại kỷ cương đô thị một cách bền vững, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch là một hành trình dài và khó khăn. Chủ trương xây dựng nếp sống văn minh đô thị là một bài toán có nhiều câu hỏi, không dễ thực hiện hoàn hảo trong một vài năm. Bởi thực tế cho thấy có những điều bất cập đã được giải mã, từ đó điều chỉnh giải pháp và mục tiêu, đề ra lộ trình và cách thức thực hiện phù hợp, nhưng cũng có vấn đề chưa thể tìm ra giải pháp hiệu quả. Tuy thế, thay đổi thói quen ứng xử của cộng đồng là một nhiệm vụ không có chỗ cho sự nóng vội, không thể thực hiện hời hợt "cưỡi ngựa xem hoa", cũng không thể thiếu sự sát cánh của cộng đồng dân cư sở tại và những người quan tâm tới Hà Nội. Chúng ta đã đạt được thành công nhất định qua "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014", nay bắt tay vào hành động trong năm thứ hai, điều đó thể hiện sự kiên định cần thiết, cho thấy khả năng thành công trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.