Giáo dục

Đẩy mạnh phân luồng học sinh phổ thông: Thách thức lớn với ngành Giáo dục Hà Nội

Thống Nhất 11/01/2024 - 16:15

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2,3 triệu học sinh, số lượng học sinh hằng năm tăng mạnh, Hà Nội ngày càng đối diện với thách thức lớn trong việc giải bài toán đáp ứng đủ chỗ học của học sinh đồng thời với việc phân luồng.

Ngày 5-1-2024, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2,3 triệu học sinh, số lượng học sinh hằng năm tăng mạnh, Hà Nội ngày càng đối diện với thách thức lớn trong việc giải bài toán đáp ứng đủ chỗ học của học sinh đồng thời với việc phân luồng.

Thách thức ấy càng lớn khi hầu hết phụ huynh học sinh lớp 9 đều mong muốn con mình tiếp tục học lên cấp trung học phổ thông chứ không phải theo học trường nghề.

Nhận diện thách thức

Đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn, Bộ Chính trị nhận định: Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được quan tâm hơn, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp trung học lựa chọn hướng đi phù hợp, tiếp cận nghề nghiệp và học tập suốt đời. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị chưa đồng bộ, nhận thức về giáo dục nghề nghiệp chưa đầy đủ, mục tiêu phân luồng học sinh sau trung học cơ sở chưa đạt yêu cầu.

Chỉ thị số 10-CT/TW đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% số học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề, tuy nhiên tại Hà Nội, tính đến năm học 2023-2024 thì đây vẫn là mục tiêu khó khăn. Tổng chỉ chỉ tiêu tuyển sinh học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng hơn 13% so với số học sinh tốt nghiệp. Sự chủ động của học sinh, gia đình học sinh đến với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa nhiều.

day-mau.jpg
Mỗi năm thành phố Hà Nội tăng khoảng từ 40.000 đến 60.000 học sinh.

Là địa phương có quy mô học sinh lớn nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh, số học sinh tăng khoảng từ 40.000 emđến 60.000 em/năm, những năm gần đây, thành phố Hà Nội đối diện với nhiều khó khăn trong việc giải quyết chỗ học cho học sinh, nhất là tại các quận, nơi có khu công nghiệp, nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh. Hà Nội hiện có hơn 2.800 trường mầm non, phổ thông; mỗi năm thành phố có thêm 35-40 trường học, song so với số lượng học sinh tăng thì vẫn là con số khiêm tốn.

Tại Hà Nội có nhiều trường đang quá tải, sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định, nhất là tại các quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai...

Bên cạnh áp lực từ sự gia tăng về số lượng học sinh, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, nhất là ở cấp trung học cơ sở hiện nay ở Hà Nội còn chịu nhiều áp lực từ phụ huynh. Hầu hết phụ huynh có con học lớp 9 đều mong muốn con học tiếp lên cấp trung học phổ thông chứ không phải theo học trường nghề.

Bà Mai Kim Tình, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Thạch Bàn (quận Long Biên) nêu quan điểm, đây là nguyện vọng chính đáng khi điều kiện kinh tế - xã hội cũng như mức sống của nhân dân Thủ đô thuận lợi hơn so với nhiều địa phương.

Vì quyền lợi học sinh và theo tinh thần tự nguyện

Với mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh theo nguyện vọng, năng lực và phù hợp với điều kiện thực tế, dù nhiều khó khăn, song những năm qua, thành phố Hà Nội đã và đang kiên trì triển khai nhiều giải pháp đáp ứng nguyện vọng học tập cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo năng lực, hoàn cảnh và bảo đảm nguyên tắc tự nguyện.

Bà Trịnh Diệu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ) cho biết, nhà trường hiện có 14 lớp 9 với tổng số 599 học sinh. Công tác phân luồng đã được triển khai từ năm lớp 8. Học sinh được chia thành 4 nhóm theo năng lực, nguyện vọng và có kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp, quan tâm đến việc bổ trợ học sinh khó khăn trong học tập. Đến năm lớp 9, giáo viên chủ nhiệm lớp cập nhật thường xuyên thông tin tuyển sinh lớp 10 của các loại hình trường như chuyên, công lập, tư thục, trường nghề... để phụ huynh nắm bắt, tìm hiểu.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường sẽ tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tạo cơ hội để học sinh, phụ huynh gặp gỡ trực tiếp với đại diện các trường tư thục, trường nghề... Hầu hết phụ huynh đều mong muốn con tiếp tục học lớp 10, đây là nguyện vọng chính đáng, nhà trường luôn lưu ý phụ huynh cần thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để biết mức độ của con ở đâu, đánh giá đúng thực lực, đồng hành đểxác định loại hình trường phù hợp và hỗ trợ con đạt mục tiêu đó.

Còn Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) Khuất Thị Hồng Điệp cho biết, trường hiện có 4 lớp 9 với gần 200 học sinh. Chủ trương của nhà trường là bảo đảm 100% học sinh có nguyện vọng, đủ điều kiện đều được tham gia kỳ thi vào trường công lập, tránh tuyệt đối việc vận động học sinh yếu không tham gia kỳ thi.

Đồng thời, nhà trường cũng tăng cường tuyên truyền để phụ huynh biết rõ các loại hình trường cóthể lựa chọn sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Với những học sinh có học lực từ trung bình trở xuống, bên cạnh việc phụ đạo không thu phí, nhà trường tăng cường gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh để hỗ trợ, tư vấn lựa chọn nguyện vọng học tập phù hợp.

Trong khi đó, bà Nguyễn Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) cho biết, nhà trường đánh giá kết quả học tập của học sinh một cách thực chất để trao đổi với cha mẹ học sinh thường xuyên, đồng thời tăng cường tuyên truyền để cha mẹ học sinh hiểu đầy đủ, đúng về ý nghĩa của việc phân luồng đối với tương lai của học sinh.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, dự báo số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở ở Hà Nội năm học 2023-2024 là gần 135.000 em, tăng khoảng 5.000 em so với so với năm học 2022-2023, Sở đã chỉ đạo các trường học rà soát, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh; đồng thời tăng cường tư vấn hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh.

Việc lựa chọn loại hình trường nào là theo tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh học sinh. Trên địa bàn thành phố hiện có nhiều loại hình trường có thể đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của học sinh. Sở nghiêm cấm các nhà trường vận động, ép buộc học sinh trong việc lựa chọn nguyện vọng học tập.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam:

Trường học cần gắn kết chặt chẽ hơn với sản xuất ở địa phương

thay-lam-1.jpg

Với đặc thù của thành phố Hà Nội hiện nay, việc vận động học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề là rất khó. Việc mong muốn cho con tiếp tục học trung học phổ thông sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở là nguyện vọng chính đáng của gia đình người học. Thực hiện tốt việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sẽ góp phần tích cực cho công tác phân luồng học sinh. Ngành Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của người học, gắn “học” với “hành” và tăng cường vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Theo tôi, ngoài các tiết học trên lớp, các nhà trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp và thực hiện thường xuyên hơn theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn với địa phương trong sản xuất, kinh doanh.

Ví dụ, các trường ở địa bàn có làng nghề truyền thống, nơi có khu công nghiệp có thể tổ chức đưa học sinh đến tận nơi để học sinh hiểu về truyền thống văn hoá, nghề nghiệp ở địa phương, vừa tạo cơ hội để các em biết rõ về những kiến thức, kỹ năng cần có của từng loại nghề nghiệp.

Thành phố cũng cần khuyến khích các địa phương có làng nghề tạo điều kiện cho học sinh được tham gia tìm hiểu, tiếp cận với nghề. Nếu không theo học trường nghề mà chọn học đại học thì những kiến thức về nghề nghiệp được trang bị ở phổ thông cũng là rất hữu ích.

Bà Hồ Thuận Yến, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình):

Tư vấn và giáo dục hướng nghiệp giúp học sinh tìm được môi trường học tập phù hợp để phát triển năng lực

ba-ho-thuan-yen.jpg

Thời điểm này, bên cạnh việc tập trung cao độ cho việc triển khai kế hoạch học tập, ôn luyện cho học sinh lớp 9, nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn, giáo dục hướng nghiệp để bảo đảm cho mọi học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đều được học tập ở môi trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng và điều kiện thực tế.

Để nâng cao chất lượng của hoạt động tư vấn hướng nghiệp, điểm mới của năm học 2023-2024 là cùng với sự hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm, nhà trường bố trí giáo viên chuyên trách, có hiểu biết và kỹ năng để có thể cung cấp, chia sẻ những kinh nghiệm cũng như giúp học sinh có định hướng học tập phù hợp.

Bên cạnh các buổi tư vấn chung toàn khối, học sinh mỗi lớp cũng được giáo viên chuyên trách về tư vấn hướng nghiệp gặp gỡ trực tiếp theo định kỳ hằng tuần, hằng tháng hoặc theo nhu cầu của học sinh, phụ huynh học sinh để kịp thời giải đáp các băn khoăn về việc chọn trường phù hợp với năng lực và hoàn cảnh thực tế của từng gia đình.

Việc giúp các gia đình học sinh chủ động hơn trong việc lựa chọn loại hình trường học phù hợp sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở không chỉ giảm áp lực cho chính học sinh, mà còn nâng chất lượng học tập ở bậc học tiếp theo, dù các em có theo học đại học hay trường nghề.

Bà Nguyễn Thu Hoài, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ):

Định hướng phân luồng là cần thiết, song cần tránh áp đặt

ba-nguyen-thu-hoai.jpg

Hầu hết các gia đình học sinh hiện nay ở Hà Nội đều mong muốn con sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ trúng tuyển và học tập ở các trường trung học phổ thông; không nhiều gia đình chủ động chọn hướng tiếp cận cho con ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Điều này là hoàn toàn bình thường và chính đáng, song cũng kéo theo áp lực của kỳ tuyển sinh lớp 10 vào các trường trung học phổ thông.

Để giảm áp lực này, bên cạnh việc đổi mới phương pháp, nội dung của hoạt động tư vấn hướng nghiệp hiện nay, chúng tôi mong muốn thành phố tăng cường hơn nữa các nguồn lực đầu tư xây dựng thêm trường, lớp; phát triển đa dạng các loại hình trường và bảo đảm sự đồng đều hơn về chất lượng của các loại hình trường.

Việc tuyên truyền về định hướng phân luồng là cần thiết, song cũng cần tránh áp đặt, không nên vì để đạt mục tiêu phải có bao nhiêu phần trăm học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trường nghề mà vận động, thậm chí ép buộc học sinh trong quá trình chọn lựa

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phân luồng học sinh phổ thông: Thách thức lớn với ngành Giáo dục Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.