Là một trong 29 thành phố “nghìn năm tuổi” trên thế giới, Thủ đô Hà Nội là thành phố trẻ nhất đứng cạnh các thủ đô tên tuổi như: Paris (Thủ đô nước Pháp), Rome (Italia), London (Vương quốc Anh) và Athens (Hy Lạp).
Tại Tờ trình “Về tập trung xem xét, thông qua nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050”, quan điểm phát triển chung Thủ đô được Ban Cán sự đảng UBND thành phố đề xuất là: Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, xanh, thông minh” ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Phát triển Thủ đô ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và thế giới
Tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố tại Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 27-3 đã nêu rõ các nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô.
Bản quy hoạch đã đánh giá các yếu tố và điều kiện đặc thù của Thủ đô Hà Nội; Thực trạng phát triển của Thủ đô; Những điểm nghẽn, hạn chế của Thủ đô và chỉ rõ triết lý phát triển của Thủ đô.
Theo Tờ trình, trên thế giới chỉ có 29 thành phố “nghìn năm tuổi”, trong đó Hà Nội là thành phố trẻ nhất, đứng bên cạnh các thủ đô tên tuổi khác như: Paris (Thủ đô nước Pháp), Rome (Italia), London (Vương quốc Anh) và Athens (Hy Lạp)…
Thủ đô Hà Nội cũng là nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa và văn minh, nơi có bề dày trầm tích văn hóa với số lượng di sản lớn nhất cả nước với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc với 5.922 di tích được kiểm kê; 1.350 làng nghề, gần 1.700 lễ hội dân gian, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.
Trên thế giới, hiếm có nơi nào có sự hội tụ văn hóa truyền thống, lịch sử giáo dục lâu đời, có nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội truyền thống, làng nghề thủ công, nghệ thuật diễn xướng dân gian... như Thủ đô Hà Nội.
Quy hoạch Thủ đô cũng đã nêu bật quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội bám sát Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Các nội dung, phương án quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu trên cơ sở các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại của Thăng Long - Hà Nội, được coi như là triết lý phát triển nhằm "Phát sáng nhân tài; Khai phóng trí tuệ; Lan tỏa nhân văn; Hòa điệu thiên nhiên; Tiến cùng thời đại”.
Tờ trình cũng nêu rõ quan điểm phát triển chung của Thủ đô. Trong đó, sẽ khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thành phố cũng đặt mục tiêu phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng; phát triển bao trùm, nhanh và bền vững, hội nhập quốc tế dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mục tiêu phát triển của thành phố cũng sẽ gắn với quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn và nguồn nhân lực chất lượng cao. Văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.
Thành phố cũng sẽ xây dựng hệ thống pháp luật toàn diện, đồng bộ, thống nhất và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên vượt trội là điều kiện tiên quyết để phát triển Thủ đô. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, cơ chế thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước.
Thủ đô Hà Nội cũng sẽ phát triển thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.
Thủ đô sẽ tập trung phát triển nông nghiệp nông thôn sinh thái, văn minh, có bản sắc của nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ. Sông Hồng sẽ là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô, trục văn hóa di sản, du lịch văn hóa kết nối vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng. Từ đó, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn.
Tạo dựng không gian phát triển mới khi lập quy hoạch Thủ đô
Tại Tờ trình của UBND thành phố đã nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; là động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phát triển phía Bắc.
Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội sẽ có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; là thành phố kết nối toàn cầu, Xanh - Thông minh - Thanh bình - Thịnh vượng; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố chiều 27-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, cho biết, công tác tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được chỉ đạo triển khai với tinh thần khẩn trương, khoa học, nghiêm túc; huy động được sự tham gia của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước…
Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo, trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xem xét, thông qua nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô nhiều vòng. Thành phố cũng đã tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo khoa học, hội nghị tham vấn các chuyên gia, các nhà khoa học. Quy hoạch đã được bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Ban, Bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư.
“Ngày 23-2 vừa qua, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực) đã tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch Thủ đô theo quy định của Luật Quy hoạch và đã nhất trí thông qua với kết quả 31/31 phiếu đồng ý, được đánh giá có chất lượng khá tốt”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.
Việc lập Quy hoạch Thủ đô được Thành ủy Hà Nội xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tạo lập không gian phát triển mới, với “tầm nhìn mới - tư duy mới” để tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới”. Mục tiêu cuối cùng hướng đến là "phục vụ nhân dân", xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm Ngày thành lập nước vào năm 2045.
“Ban Chấp hành Đảng bộ thống nhất thông qua Quy hoạch Thủ đô để các cơ quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung công việc tiếp theo, như: Trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy vào tháng 5 tới đây trước khi trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt Quy hoạch; đặc biệt là cần tập trung chuẩn bị nội dung để báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị dự kiến vào ngày 3-5-2024”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng trân trọng cảm ơn các ý kiến thảo luận, tham gia góp ý của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành và khẳng định: Những ý kiến trí tuệ, sâu sắc đó đã giúp hoàn thiện bản Quy hoạch Thủ đô, góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, là thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, thành phố Hà Nội sẽ tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để sớm đưa Quy hoạch Thủ đô vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.