Quy hoạch

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Hướng đến mục tiêu “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” Khẳng định vai trò của văn hóa

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức 02/12/2023 08:57

Thành phố Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo về quy hoạch Hà Nội, có sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa..., điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của xã hội về vấn đề này.

Ý kiến của Giáo sư Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, đã được hội thảo đặc biệt quan tâm khi ông khẳng định mục tiêu quy hoạch Hà Nội "Văn hóa - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Thật vậy, văn hóa không thể thiếu trong quy hoạch mỗi khu vực, mỗi lĩnh vực, mỗi công trình và quy hoạch của một địa phương, của cả quốc gia. Đối với Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến thì vai trò của văn hóa trong quy hoạch lại càng có ý nghĩa to lớn.

ha-noi-2.jpg
Công viên Long Biên - địa chỉ văn hóa mới của người Hà Nội.

1. Quy hoạch là việc làm hết sức quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển bền vững. Việc thiếu quy hoạch dẫn đến hệ lụy tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng...

Tuy nhiên, có một vấn đề tưởng như ít liên quan đến quy hoạch, hoặc do hiểu lầm vì không có tên trong quy hoạch mà bị quên lãng, nhưng lại hết sức quan trọng, không thể không tính đến khi xây dựng quy hoạch, đó là văn hóa. Thực chất, văn hóa liên quan đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Muốn văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì văn hóa nhất thiết phải có mặt ở mọi khâu của quá trình phát triển, trong đó có quy hoạch. Kinh nghiệm nhiều năm với nhiều công trình, chương trình cụ thể đã cho ta thấy rõ điều đó.

Theo tôi, hiện vẫn còn nhiều quan niệm khác nhau về vị trí, vai trò của văn hóa trong quy hoạch, nhất là sau khi có quy định về việc không lập quy hoạch ngành Văn hóa riêng biệt tại các địa phương. Tuy nhiên, tại Thủ đô Hà Nội, nếu chỉ đưa quy hoạch mạng lưới cơ sở của văn hóa vào quy hoạch chung thì đó sẽ là một khiếm khuyết lớn về xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Từ phân tích cụ thể đó ta còn thấy một vấn đề lớn hơn nữa, liên quan tới không gian phát triển trong quy hoạch. Không gian đó với độ rộng, hẹp cụ thể thường được gắn với diện tích đất, cái mà bất kỳ nhà hoạch định nào cũng nhìn thấy rõ ràng và có thể tính toán hợp lý. Tuy nhiên, trên diện tích ấy, vùng ấy, không gian văn hóa là gì, nó cần cái gì để bảo vệ và phát huy giá trị..., vấn đề đó không phải khi nào cũng được nhìn nhận thấu đáo và tính toán cẩn trọng.

Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã phải lên tiếng rằng “không đánh đổi văn hóa lấy phát triển kinh tế”, điều đó cũng bắt nguồn từ thực tế là nhiều hoạt động kinh tế đã xâm hại nghiêm trọng đến môi trường, văn hóa, đến chất lượng sống và sự phát triển bền vững. Xây dựng quy hoạch với nhiệm vụ “sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng”... ở Thủ đô thì nhất thiết không thể để tình trạng đó tái diễn.

Và, muốn tình trạng đó không tái diễn thì yếu tố văn hóa nhất thiết phải được thể hiện rõ trong quy hoạch, thậm chí có mặt trong định hướng chiến lược xây dựng quy hoạch. Thực tế, “chốn kinh sư muôn đời” chứa đựng trong lòng nó tài nguyên đồ sộ về vật chất và tinh thần ngàn năm tụ lại. Mỗi mét đất, mỗi tên người có thể phải dùng tới khoa học liên ngành để giải mã thì mới có thể thấu hiểu và phát huy giá trị.

2. Nói Quy hoạch Hà Nội "Văn hóa - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nói đến kỳ vọng lớn lao được đặt ra đối với việc xây dựng và triển khai quy hoạch lần này. Kỳ vọng vào Quy hoạch Hà Nội vì nhiều lý do, trong đó có lý do không gian địa lý và không gian văn hóa được mở rộng chưa từng có sau khi hợp nhất Hà Nội - Hà Tây. Đặc biệt, không gian văn hóa được mở rộng đáng kể với một vùng văn hóa giàu truyền thống và bản sắc.

Sự mở rộng về không gian địa lý và không gian văn hóa tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm quy hoạch, mở ra dư địa phát triển đáng kỳ vọng. Người làm quy hoạch không bị bó trong không gian nội đô chật hẹp, mà có nhiều lựa chọn để tối ưu hóa các phương án của mình. Mặt khác, khi quy hoạch được triển khai với không gian rộng mở thì sẽ tránh được áp lực điều chỉnh dự án có thể phá vỡ tầm nhìn tổng thể cả về thời gian và không gian của quy hoạch. Thuận lợi là rất lớn, nhưng vẫn có không ít thách thức.

Các văn kiện, Nghị quyết của Đảng đã khẳng định rất rõ về vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội”, “văn hóa là mục tiêu, là động lực thúc đẩy văn hóa - xã hội”, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Trên quan điểm ấy, Đảng đã nghiêm túc đánh giá những thành tựu đạt được và những khiếm khuyết cần khắc phục trong phát triển văn hóa. Một trong những khiếm khuyết đó là “quan tâm đến văn hóa chưa tương xứng với quan tâm chính trị và kinh tế” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng).

Nhận thức được điều đó, nhiều địa phương đã có nghị quyết, chương trình phát triển văn hóa nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa. Đó là điều hết sức đúng đắn và thể hiện đúng vai trò tiên phong của văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố sáng tạo trong thời mở cửa, hội nhập. Hà Nội cũng đặt vấn đề tăng đầu tư cho văn hóa tới 2% GDP.

Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa chỉ là một trong những vấn đề của văn hóa. Đầu tư 2% GDP cho văn hóa mới chỉ là chuyện ngân sách. Khi đặt văn hóa trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, vấn đề cốt tử là nhận thức về vị trí đứng đầu và vai trò tiên phong của văn hóa Thủ đô đối với văn hóa cả nước.

Vậy thì vị trí đứng đầu và vai trò tiên phong ấy là như thế nào? Nói vị trí đứng đầu về văn hóa của Hà Nội không phải là "tự phong", mà là yêu cầu có tính lịch sử. Vị trí ấy vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của Thủ đô. Vai trò đó là vai trò tiên phong, vai trò của người mở đường. Người tiên phong không nhất thiết phải là người giỏi nhất, có thành tích tốt nhất. Nhưng người tiên phong nhất thiết phải là người dũng cảm, người tự trọng với tinh thần trách nhiệm cao trước tập thể và sự nghiệp chung. Nhận thức như vậy thì việc xây dựng văn hóa Thủ đô Hà Nội không thể chỉ dừng lại ở việc xây dựng mạng lưới văn hóa cơ sở, xây dựng các thiết chế văn hóa...

Với tâm thế: Trân trọng quá khứ - Trách nhiệm hiện tại - Khát vọng tương lai, trước tiên phải xây dựng con người Thủ đô Hà Nội hội tụ nét tinh túy của văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến, đồng thời chọn lọc tiếp nhận tinh hoa bốn phương để có người Hà Nội thanh lịch - văn minh - hiện đại. Người Hà Nội không phân biệt là người Hà Nội gốc hay nhập cư, nhất thiết đều phải phấn đấu, rèn luyện để là người thanh lịch - văn minh - hiện đại. Trong quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phải tiếp tục coi việc xây dựng con người Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ hàng đầu để hoạch định chương trình, lộ trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội.

Với nhận thức như vậy, việc xây dựng và triển khai Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tầm nhìn đến năm 2050 là tầm nhìn đến một mốc phát triển có tính lịch sử của dân tộc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tròn 100 năm tuổi. Một thời điểm đặc biệt trong lịch sử phát triển của cách mạng Việt Nam.

Đối với Thủ đô Hà Nội, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định đặc thù được Quốc hội thông qua, việc lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thực sự là một cơ hội phát triển hết sức thuận lợi. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm phải thấm sâu vào mọi khâu của quy hoạch, từ việc xây dựng quy hoạch đến việc triển khai thực hiện cũng như điều chỉnh quy hoạch (nếu có) trong thực tiễn cuộc sống. Với tinh thần ấy, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội lần này sẽ được xây dựng và triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, vì một Thủ đô sáng tạo, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Hướng đến mục tiêu “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” Khẳng định vai trò của văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.