Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội: Nâng tiêu chí, nâng chất lượng

Nguyễn Mai| 30/08/2018 06:19

(HNM) - TP Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với 294/386 xã đạt chuẩn. Song, đạt chuẩn không đồng nghĩa với việc chỉ duy trì, mà hơn thế là phải nâng cao chất lượng nông thôn mới.

Xã nông thôn mới Liên Trung (huyện Đan Phượng) xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Bá Hoạt


Sự vận động không ngừng

Hồng Dương là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Oai, hoàn thành từ năm 2013. Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Thanh, không dừng lại ở thành tích đạt được, địa phương tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Từ năm 2013 đến nay, nhân dân trong xã tiếp tục đóng góp khoảng 60 tỷ đồng (không tính kinh phí chỉnh trang trong các gia đình) để đầu tư kiến thiết hạ tầng nông thôn như: Giao thông, thủy lợi, các thiết chế văn hóa, chỉnh trang nhà ở dân cư, xây dựng các tuyến đường hoa, gắn biển số nhà…

Đối với sản xuất, Hồng Dương có 7/7 thôn có nghề truyền thống như: Chẻ tăm hương, làm giò chả, thợ nề, thợ mộc; trong nông nghiệp, đã chuyển đổi được 102ha lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá - vịt… nhờ vậy, đời sống người dân tiếp tục có bước phát triển. Đến hết năm 2017, bình quân thu nhập của Hồng Dương đạt 42,6 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo chỉ còn 1,64%. Xã đang nỗ lực hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2018.

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền, Hà Nội hiện có 294 xã, chiếm hơn 76,1% tổng số xã và 4 huyện, chiếm hơn 22,2% tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới là quá trình vận động liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Từ chủ trương đó, thành phố đã chỉ đạo các xã, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới đều xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.

"Thực tế, huyện Đan Phượng triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 3 xã: Song Phượng, Đan Phượng và Liên Trung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều địa phương đã phát động phong trào "Đường có hoa, nhà có số, phố có tên" rất tốt, như: Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên, Thanh Oai... tạo chuyển biến về "chất" trong xây dựng nông thôn mới" - bà Hoàng Thị Huyền cho biết.

Vì chất lượng cuộc sống của người dân

Xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai) phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2018.


Để tạo cơ sở cho các huyện, thị xã lập kế hoạch, đồng thời, là căn cứ đánh giá, công nhận xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao TP Hà Nội giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, xã nông thôn mới nâng cao của Hà Nội vẫn được đánh giá dựa trên kết quả thực hiện 19 tiêu chí như bộ Tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chia làm 6 nhóm (tăng 1 nhóm so với bộ Tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới), gồm: Quy hoạch; Hạ tầng kinh tế - xã hội; Phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân; Giáo dục, y tế, văn hóa; Cảnh quan, môi trường; Hệ thống chính trị - quốc phòng, an ninh - hành chính công. Các tiêu chí được đánh giá cao hơn một bước so với bộ Tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ví như, đối với tiêu chí thu nhập, quy định “thu nhập bình quân đầu người phải cao gấp 1,2 lần trở lên so với quy định của TP Hà Nội tại thời điểm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”; "tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 1%"; tiêu chí trường học quy định "cả 3 cấp trường đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó có tối thiểu 1 cấp trường mầm non hoặc tiểu học đạt chuẩn mức độ 2 về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học"... Bộ Tiêu chí cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó thêm chỉ tiêu về cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp...

Như vậy, bộ tiêu chí này đã cụ thể đến từng chỉ tiêu để các địa phương làm căn cứ thực hiện. Theo Bí thư Đảng ủy xã Hồng Dương Nguyễn Văn Thanh, trước đây, xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao nhưng do chưa có tiêu chí cụ thể nên chỉ biết đạt rồi thì phấn đấu đạt cao hơn, còn cao hơn bao nhiêu thì chưa có định lượng rõ ràng. Việc ban hành bộ tiêu chí này sẽ là cơ sở để xã thực hiện công việc sát thực hơn. Đây cũng là đáp án chung cho nhiều địa phương trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, bởi sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương lúng túng do chưa có hướng dẫn cụ thể.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội và các sở, ngành liên quan, tham mưu cho UBND thành phố ban hành quy định cụ thể về điều kiện, trình tự thủ tục, hồ sơ xem xét công nhận và công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xây dựng, hướng dẫn phương pháp đánh giá, chấm điểm các tiêu chí để công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020.

Đó cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý các địa phương, cần xây dựng và thực hiện kế hoạch duy trì, phát triển các tiêu chí đã đạt được, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới điển hình tiên tiến. Đích đến là nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội: Nâng tiêu chí, nâng chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.