Năm 2023 khép lại, nhiều huyện thuộc thành phố Hà Nội vượt chỉ tiêu rất cao về số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đặc biệt, hai huyện có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đó là Đan Phượng và Thanh Trì.
Từ hai huyện này, có rất nhiều kinh nghiệm hay trong quá trình triển khai thực hiện, là bài học để các địa phương khác học tập...
Chọn lợi thế làm kiểu mẫu
Hạ Mỗ, Thọ An và Liên Hồng là 3 xã cuối cùng của huyện Đan Phượng vừa được thành phố Hà Nội thẩm định hoàn thành đủ điều kiện để công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Như vậy, Đan Phượng trở thành huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội có 15/15 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Để có được thành quả này, huyện Đan Phượng và các xã đã có những cách làm rất khoa học, bài bản, sáng tạo…
Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Bùi Tất Thêm cho biết, Hạ Mỗ chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, đều là những lợi thế của địa phương. Đối với lĩnh vực du lịch, xã có truyền thống hiếu học, nơi sinh ra các bậc hiền tài của đất nước, như: Thiền sư Trí Bảo; Thái úy Tô Hiến Thành; Hoàng giáp Đỗ Trí Trung… Với bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, hiện đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác và đền Văn Hiến trên địa bàn xã được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. “Khi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bám theo hướng dẫn, địa phương hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí đặt ra”, ông Bùi Tất Thêm nói.
Cũng trong năm 2023, Thanh Trì là huyện thứ hai của thành phố Hà Nội có 15/15 xã “cán đích” nông thôn mới kiểu mẫu. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, hầu hết các xã mới hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022 và bắt tay ngay vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Xuân Thọ cho biết, để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, xã đã nỗ lực hoàn thành các tiêu chí đặt ra. Đối với lĩnh vực chuyển đổi số, xã xây dựng mô hình thôn thông minh cho cả 4/4 thôn. Hiện có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình ở các thôn thực hiện giới thiệu, quảng bá, tiếp thị và bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức thương mại điện tử.
Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn đánh giá, cả Thanh Trì và Đan Phượng đều là điểm sáng của thành phố Hà Nội trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, Thanh Trì là huyện có rất nhiều cái “nhất” của thành phố, như: Chỉ trong một năm, huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của 100% số xã; là huyện duy nhất của thành phố có 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện trên 8 lĩnh vực: Môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số, an ninh trật tự, sản xuất.
Ưu tiên nguồn lực, đầu tư có trọng tâm
Ngoài việc lựa chọn được lĩnh vực lợi thế để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, cả Đan Phượng và Thanh Trì đều tập trung nguồn lực và đầu tư cho các tiêu chí một cách trọng tâm, không dàn trải.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, huyện đã dành nguồn lực rất lớn để đầu tư cho các tiêu chí hạ tầng, nhất là xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn và trung tâm văn hóa, thể thao quy mô xã. Hiện tại, toàn huyện Đan Phượng có 54/55 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 39 trường đạt chuẩn mức độ 2; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đáng chú ý, tại xã Thọ An, từ năm 2010 đến nay, xã đã huy động được hơn 310 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, xã có hệ thống hạ tầng khang trang; trường học công lập 3 cấp đều đạt chuẩn quốc gia.
Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Thanh Trì cũng đã bố trí hơn 2.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông; hơn 2.300 tỷ đồng thực hiện 102 dự án hạ tầng văn hóa, xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
“Nếu đầu tư dàn trải, các tiêu chí sẽ dở dang, không tập trung nên chúng tôi lựa chọn những việc cần làm trước để ưu tiên, làm đâu chắc đó. Đặc biệt, có những tiêu chí không cần nhiều kinh phí, như: Môi trường, chuyển đổi số, an ninh trật tự, sản xuất… thì huy động sự chung sức của nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, kết quả đạt được của Đan Phượng và Thanh Trì có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho các huyện tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới thông minh gắn với phát triển đô thị, nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Những kinh nghiệm này là bài học để các địa phương khác trên địa bàn thành phố học tập, phát huy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.