Nông thôn mới

Thường Tín nỗ lực hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao

Đỗ Minh 31/01/2024 - 08:01

2024 được coi là năm “nước rút” để Thường Tín hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, hướng tới xây dựng quận trong giai đoạn tiếp theo.

Thực tế, nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới, Thường Tín đang chuyển mình theo chiều sâu, chất lượng đời sống người dân ngày một tăng, kinh tế - xã hội, văn hóa… phát triển toàn diện.

thuong-tin.jpg
Thêu tranh thủ công tại làng nghề xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín). Ảnh: Đỗ Tâm

Về huyện Thường Tín hôm nay, những con đường nhựa, bê tông hóa rợp sắc hoa; những công trình văn hóa, lịch sử được gìn giữ, bảo tồn, không gian sống xanh, sạch… minh chứng cho thành quả trong thực hiện xây dựng nông thôn mới của huyện.

Là một trong 9 xã của Thường Tín đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, Tô Hiệu thu hút bởi những con đường hoa, không gian xanh, sạch. Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu Đào Hồng Thái chia sẻ, năm 2017, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đó đến nay, xã luôn giữ vững đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, kết quả thực hiện 19/19 tiêu chí theo bộ Tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, xã đều đạt và được công nhận xã nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Thống kê của huyện Thường Tín thì đến nay có 9 xã: Duyên Thái, Thắng Lợi, Chương Dương, Quất Động, Văn Phú, Tự Nhiên, Tô Hiệu, Hiền Giang, Nguyễn Trãi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã: Văn Bình, Nhị Khê, Hà Hồi đạt nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho hay, chương trình xây dựng nông thôn mới của Thường Tín đi vào chiều sâu với sự đổi thay toàn diện. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều vùng chuyên canh rau, lúa, thủy sản, cây ăn quả... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là vùng chuyên canh lúa hàng hóa tập trung tại các xã: Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã: Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại các xã: Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại các xã: Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến. Đặc biệt, toàn huyện có 6 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết tạo chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển, tạo sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.

Điểm nổi bật khác của Thường Tín là hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, xóm... đều được rải nhựa, bê tông hóa, đạt 100%; hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm, phòng học cấp bốn dột nát; 74 trường của huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, một trong những thành công đặc biệt của huyện là bảo tồn các giá trị văn hóa trong quá trình xây dựng, phát triển. “Nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu… đều phải bảo tồn giá trị văn hóa. Thường Tín xác định văn hóa là “gốc rễ” của sự phát triển. Theo đó, huyện đã xây dựng các chương trình, đề án về bảo tồn phát triển văn hóa”, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh nhấn mạnh.

Theo mục tiêu huyện đề ra, năm 2025, huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Do vậy, 2024 là năm nước rút để huyện hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, nâng cao hơn nữa các tiêu chí đã đạt. Ông Nguyễn Xuân Minh khẳng định, thời gian tới, cả hệ thống chính trị của huyện Thường Tín tập trung lãnh đạo, điều hành toàn diện với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên, không có điểm kết thúc.

Huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện; đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm nhằm thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các khâu đột phá của huyện.

Mặt khác, huyện tập trung thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, mở rộng vùng trồng rau an toàn, chăn nuôi thủy sản theo hướng hiệu quả bền vững kết hợp hình thành các chuỗi du lịch tâm linh, du lịch văn hóa…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín nỗ lực hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.