Sáng 28-6, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng tổ chức lễ đón nhận Bằng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; các trường: Mầm non Tân Lập, Tiểu học Tân Lập B, THCS Tân Lập đạt Trường chuẩn quốc gia mức độ 2.
Tân Lập là xã đông dân của huyện Đan Phượng với hơn 7.200 hộ, hơn 25.200 nhân khẩu. Những năm qua, công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2014, xã Tân Lập được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Năm 2019, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Văn Học cho biết, trước yêu cầu của việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, năm 2022, xã Tân Lập mạnh dạn đăng ký với huyện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và hướng tới mục tiêu xây dựng xã thành phường.
Đến nay, xã Tân Lập đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo; Y tế. Trong giáo dục, 100% trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên. Trong đó, Trường Mầm non Tân Lập, Trường Tiểu học Tân Lập B, Trường THCS Tân Lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Các nhà trường đều bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ tốt. 100% số phòng học được lắp máy chiếu hoặc màn hình thông minh, đầy đủ phương tiện dạy học hiện đại. Xã có thu nhập bình quân đạt 82 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân toàn huyện Đan Phượng.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải biểu dương kết quả, thành tích của xã Tân Lập đạt được trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời khẳng định, chương trình xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng, trúng, có ý nghĩa thiết thực của Đảng, Nhà nước và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bí thư Huyện ủy Trần Đức Hải đề nghị, cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân xã Tân Lập tiếp tục duy trì, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu đồng bộ với các tiêu chí phát triển xã thành phường, huyện lên quận.
“Khi phát triển theo hướng đô thị, cần vận hành quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, đòi hỏi tư duy, tác phong, sinh hoạt, lối sống cũng phải thay đổi. Điều này đặt ra cho địa phương bài toán đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”, đồng chí Hải lưu ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.