Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nhà máy Ethanol Bình Phước trị giá trên 80 triệu USD

L.H| 22/03/2010 10:29

(HNMO) - Công ty TNHH Nhiên liệu Sinh học Phương Đông (OBF) cùng với các nhà đầu tư như Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) và Công ty LICOGI 16  vừa tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol (cồn nhiên liệu sinh học) với tổng mức đầu tư trên 80 triệu USD.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol tại tỉnh Bình Phước do Công ty OBF làm Chủ đầu tư nằm trong “Kế hoạch và Chương trình triển khai các dự án Nhiên liệu sinh học” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nhằm triển khai “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 tầm nhìn 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/11/2007.

Các nhà đầu tư vào dự án gồm Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản (49%), Tổng Công Ty Dầu Việt Nam - PVOIL (29%) và Công ty LICOGI 16 (22%). Nhà cung cấp công nghệ là Công ty PRAJ INDUSTRIES (Ấn Độ). Nhà tổng thầu EPC là liên danh Công ty TOYO Thái (Thái Lan) và Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Thiết kế dầu khí (PV Engineering). Tổng công ty cổ phần Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) là nhà thu xếp vốn. Thời gian xây dựng nhà máy dự kiến là 21 tháng.


Nhà máy tiêu thụ khoảng 240.000 tấn sắn lát khô/năm, giúp tăng thu nhập cho khoảng 15 ngàn hộ nông dân. Ảnh minh họa.

Nhà máy Ethanol Bình Phước có công suất thiết kế là 100 triệu lít/năm, tiêu thụ khoảng 240.000 tấn sắn lát khô/năm. Sản phẩm của nhà máy là Ethanol biến tính sẽ được pha trộn với xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để phân phối trên thị trường cả nước. Hỗn hợp xăng pha ethanol sẽ tăng tính năng hoạt động và tuổi thọ của động cơ, giảm khí thải góp phần cải thiện môi trường đô thị và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cácsản phẩm phụ của nhà máy gồm: khí CO2, chứng chỉ giảm phát thải CERs và phân vi sinh.

Công ty OBF đã ký hợp đồng bán CO2 thô cho Công ty Messer (Đức) là nhà sản xuất và phân phối khí công nghiệp. Công ty Messer sẽ đầu tư nhà máy sản xuất CO2 lỏng tại nhà máy với công suất 70 tấn/ngày. Chứng chỉ giảm phát thải CERs với lượng dự kiến 125.000 tấn/năm đang được đàm phán bán cho Tập đoàn ITOCHU. Ngoài ra, nhà máy sẽ kết hợp với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) để sản xuất phân bón vi sinh từ bã thải của nhà máy để cung cấp cho các các công ty trồng cây cao su, các hộ nông dân trồng điều, sắn và các cây công, nông nghiệp trên địa bàn của tỉnh.

Nhà máy sản xuất Ethanol sẽ được xây dựng tại xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, trên đường Quốc lộ 14 cũ, cách Thành phố Hồ Chí Minh 175 km, là địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Phước. Nhà máy có vị trí đặc biệt thuận lợi để thu mua lượng sắn lát làm nguyên liệu sản xuất Ethanol vì Bình Phước là địa bàn có nghề trồng sắn lâu đời, có sản lượng sắn đứng thứ 3 toàn quốc. Ngoài ra, nhà máy có thể thu mua sắn từ Tây Nguyên qua Đắc Nông trên đường quốc lộ 14; và từ nước bạn Campuchia qua các cửa khẩuHoàng Diệu, Hoa Lư và Tavat. Hàng năm, hàng trăm ngàn tấn sắn lát khô được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới này. Khi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho khoảng 15 ngàn hộ nông dân trồng sắn chủ yếu là người nghèo và đồng bào dân tộc, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo củatỉnh.

Chủ đầu tư dự án là Công ty OBF đặc biệt quan tấm đến việc bảo vệ môi trường, chú trọng nâng cao thu nhập cho nông dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. OBF đã chọn phương án thiết kế xử lý nước thải tuân thủ nghiêm ngặt bảo vệ môi trường của nhà nước và địa phương. Nước thải của nhà máy được xử lý để đạt tiêu chuẩn xả thải loại A trước khi xả ra ngoài. OBF có chính sách đầu tư để giúp nông hộ trồng sắn kết hợp với chính sách thu mua đảm bảo giá cho nông hộ. OBF ưu tiên tuyển chọn lao động là con em của các hộ gia đình nằm trong khu vực nhà máy, vùng nguyên liệu và đảm bảo cho họ có thu nhập tốt và ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nhà máy Ethanol Bình Phước trị giá trên 80 triệu USD

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.