Bạn đọc

Xây dựng nhà cho thuê trọ vùng ven đô: Cần quản lý ngay từ khâu cấp phép

Thiện Mỹ 20/11/2023 - 06:34

Do đất ở nông thôn không cần xin phép xây dựng, loại hình kinh doanh nhà trọ cũng thiếu quy định riêng nên nhiều địa phương vùng ven đô Hà Nội đang dần bị quá tải về hạ tầng và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn...

Nên chăng, công tác cấp phép xây dựng đối với đất ở nông thôn cần được siết chặt đồng thời xem xét theo từng khu vực để quản lý hiệu quả loại hình nhà ở này.

xay-dung.jpg
Công trình cao tầng đang trong quá trình xây dựng tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức).

Quá tải và những nguy cơ tiềm ẩn

Nằm ở cửa ngõ Thủ đô, thôn Lai Xá, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) đón xu thế đô thị hóa từ nhiều năm nay. Nắm bắt nhu cầu ở trọ tăng cao, nhiều người đã xây nhà cao tầng, chia thành phòng khép kín để cho thuê. Mới đây nhất, tại thửa đất số 1187, tờ bản đồ số 12, thôn Lai Xá, một công trình cao tầng trong ngõ nhỏ, chia nhiều phòng khép kín đã bị UBND huyện Hoài Đức ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ phần vi phạm (tầng 7) do xây dựng không có giấy phép.

Cách đó không xa, ngõ 41, Cổng Đông, Lai Xá và ngõ 27 đường Lai Xá cũng có 2 công trình cao tầng đang xây dựng. Ngoài ra, tại 2 con ngõ này cũng tồn tại hàng chục công trình đang rao cho thuê phòng. Ví như, công trình mới hoàn thiện ở số nhà 20, ngõ 27, cao 6 tầng, 1 lửng, 1 tum, có 20 phòng trọ. Tuy là tum thang nhưng gia chủ đã hoán cải thành phòng khép kín, trong khi các phòng và hành lang chưa có hệ thống đèn báo cháy, phía ngoài mới lắp thêm thang thoát hiểm…

Cùng đón cơ hội làng lên phố, tại ngõ 750 đường Kim Giang, xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), bên cạnh hàng loạt nhà cao tầng cho thuê trọ cũng đang có một số công trình gấp rút hoàn thành với chiều cao phổ biến 6 tầng, 1 lửng, 1 tum và có dấu hiệu chia thành nhiều phòng khép kín cho thuê... Trong số này, không ít công trình muốn lắp thêm thang thoát hiểm phía ngoài cũng gặp khó khăn bởi các bất động sản xung quanh bao kín. Một người dân ở ngõ 750 đường Kim Giang nói: “Ngõ thì nhỏ, người ở thì đông, nếu sự cố xảy ra, chỉ riêng việc chen lấn để thoát thân đã có thể gây thảm họa...”.

Cần những quy định phù hợp, kịp thời

Theo quy định hiện hành, nhà ở riêng lẻ khu vực nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị... thì không phải xin cấp phép xây dựng. Trong khi đó, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy nêu rõ, nhà trọ là đối tượng thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy và nhà nghỉ, nhà trọ từ 7 tầng trở lên là cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ... Tuy nhiên, hầu hết nhà cao tầng có nhiều phòng trọ ở khu vực ven đô Hà Nội ban đầu chỉ là nhà ở riêng lẻ nên không thiết kế đúng quy định về phòng cháy, chữa cháy; không có hệ thống xử lý nước thải chuyên biệt.

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) Trịnh Quốc Thắng cho biết, tại Thanh Liệt, phần lớn các công trình cao tầng chia nhiều phòng khép kín cho thuê đều xây dựng trước năm 2000, do giai đoạn này người dân không phải xin cấp phép xây dựng. Nhằm ngăn chặn tình trạng công trình nhà ở vi phạm về chiều cao, 2 năm gần đây, huyện Thanh Trì đã yêu cầu các phòng, ban chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm... “Để quản lý việc xây dựng nhà ở nông thôn, khu vực chịu ảnh hưởng đô thị nhanh, tôi kiến nghị, mọi công trình cần phải được cấp phép xây dựng”, ông Trịnh Quốc Thắng nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) Phạm Ngọc Lê cho rằng: "Dù là khu vực nông thôn nhưng nếu các công trình được cấp phép thì công tác quản lý sẽ chặt chẽ hơn".

Về vấn đề này, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức Đinh Văn Âu khẳng định, hiện chưa có quy định nào về cấp phép xây dựng đối với loại hình nhà trọ nên nhiều nhà ở riêng lẻ đã chuyển đổi thành nhà trọ mà không được kiểm soát từ đầu. Thực tiễn này cho thấy, loại hình nhà kinh doanh cho thuê trọ cần được quản lý ngay từ khâu cấp phép xây dựng, với những tiêu chuẩn, quy chuẩn nhất định thì mới đáp ứng được các yếu tố an toàn. Mặt khác, với khu vực nông thôn có tốc độ đô thị hóa nhanh, công tác quản lý hoạt động xây dựng cần chặt chẽ hơn thì mới không gây quá tải về hạ tầng và mất an toàn về phòng, chống cháy nổ.

Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng nêu quan điểm: "Đã đến lúc cần phải rà soát lại, xác định khu vực nào được kinh doanh nhà trọ. Bộ Xây dựng cần có quy định rõ ràng về việc này. Nhà nước cũng cần xem lại những quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà trọ, nếu làm được việc này sẽ hạn chế được rất nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra".

Thực tế cho thấy, vùng ven đô là khu vực chịu tác động nhanh của quá trình đô thị hóa. Vì thế, rất cần những quy định phù hợp, kịp thời để hạn chế những bất cập nảy sinh, nhất là đối với hoạt động xây dựng nhà để kinh doanh cho thuê trọ như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nhà cho thuê trọ vùng ven đô: Cần quản lý ngay từ khâu cấp phép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.