(HNM) - “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là một trong những nhiệm vụ quan trọng được thành phố đặt ra từ nhiều năm qua. Thông qua các hoạt động, bước đầu nhiệm vụ này đã có kết quả tích cực song so với đòi hỏi, yêu cầu của một Thủ đô văn hiến thì còn nhiều việc phải làm...
Đánh giá về việc xây dựng văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, các tiêu chí chấp hành pháp luật, sống nghĩa tình, nhân ái, vì mọi người, nói lời hay, làm việc tốt... đã được đề cao, tuyên truyền khá rộng rãi. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “người tốt, việc tốt”, “Năm trật tự văn minh đô thị” và thực hiện quy tắc ứng xử được đẩy mạnh ở nhiều nơi. Những việc đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, khơi dậy niềm tự hào của người Hà Nội, qua đó đề cao, vun đắp nếp sống văn minh.
Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học của Thủ đô tăng nhanh, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị chuyển biến còn chậm, văn hóa ứng xử và sinh hoạt nơi công cộng còn nhiều hạn chế. Thêm nữa, ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân về trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường chưa cao.
Chị Vũ Kiều Trang (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, có khu dân cư được công nhận là "văn hóa" nhưng những hành vi xấu như đổ rác không đúng nơi quy định, va chạm, xích mích giữa các cư dân do tranh chấp diện tích sử dụng chung, không đồng tình về lối sống, tập quán sinh hoạt... vẫn thường xuyên diễn ra và sự vào cuộc giải quyết của chính quyền, đoàn thể còn chậm… Chị Dương Thị Hồng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) phản ánh: Chúng ta có nhiều quy định về không hút thuốc lá, nói tục, chửi bậy... nơi công cộng nhưng việc thực hiện còn hạn chế.
Chính vì vậy, để xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở thực chất, hiệu quả hơn, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 205/KH-UBND ngày 17-9-2019 để nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Mục tiêu của kế hoạch là hình thành cơ chế phối hợp thực hiện chặt chẽ, đồng bộ trong các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội từ thành phố đến cơ sở, tạo chuyển biến tích cực trong quá trình triển khai...
Theo tinh thần kế hoạch trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu, các nội dung nâng cao chất lượng xây dựng mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” phải được đảng bộ, chính quyền địa phương các cấp thực sự quan tâm thực hiện bằng chủ trương, chính sách cụ thể, đồng thời thu hút được đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân nhiệt tình tham gia. Các quận, huyện cần thường xuyên xây dựng kế hoạch triển khai, có những chính sách ưu tiên cho quá trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sinh hoạt văn hóa, các cuộc vận động xã hội ở địa phương...
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan, đơn vị, ở các thôn, làng, tổ dân phố, mỗi gia đình và các tầng lớp nhân dân là nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển Thủ đô toàn diện và bền vững. Để làm được điều đó, cần tiếp tục tạo chuyển biến nhận thức, hướng tới và thực hiện việc nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình văn hóa cốt lõi, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.