Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nền hành chính phục vụ

Tuấn Việt| 02/03/2016 06:28

(HNM) - Phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội thường kỳ diễn ra ngày 1-3 do UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chủ trì đã thảo luận sâu về dự thảo Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

Sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, dự thảo Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đã bám sát tư tưởng chỉ đạo, nội dung trong Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ và tình hình thực tiễn của thành phố với 4 mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống pháp luật của thành phố phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Chính quyền địa phương năm 2015; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng dịch vụ công, tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính bảo đảm đồng bộ, thông suốt, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ thành phố đến cơ sở. Theo đó, 6 nhiệm vụ cụ thể phải cải cách gồm: Thể chế; thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao đội ngũ CBCCVC; tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính.

Về dự thảo kế hoạch, nhiều đại biểu dự họp cho rằng, cần xác định rõ mục tiêu xuyên suốt trong 5 năm tới về CCHC của thành phố, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo cải cách, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Theo Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ, thực hiện CCHC phải đồng bộ, cụ thể, không chung chung, rõ quyền lợi của người dân được thụ hưởng; cùng với đó, cũng phải tính đến chế độ phụ cấp cho cán bộ... Bảo đảm thu nhập hài hòa cho bộ phận này thì tinh thần phục vụ sẽ tốt hơn, tích cực hơn, cán bộ yên tâm làm việc, không "hành" thủ tục. Đồng thời, việc đưa chỉ tiêu 100% thủ tục giải quyết đúng hạn trong nội dung kế hoạch là không có gì mới mà cần thiết phải xây dựng mục tiêu bao nhiêu thủ tục được giải quyết trước hạn, cắt giảm bao nhiêu giấy tờ trong thủ tục.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng đưa giải pháp, để thực hiện CCHC, cần thiết phải xây dựng Trung tâm dữ liệu cấp thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương cập nhật số liệu để tích hợp - liên thông. Đặc biệt, một số thủ tục hành chính cần nâng lên thành dịch vụ cấp độ 3, 4. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cũng đồng tình: Cốt lõi là phải rà soát đầu mục, nội hàm thủ tục hành chính sao cho rõ, ngắn gọn, dễ thực hiện. Xây dựng Trung tâm dữ liệu của thành phố là cần thiết nhưng phải cập nhật số liệu thường xuyên "nuôi sống nó".

Người dân đăng ký giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Nhật Nam


Liên quan đến cải cách tài chính công, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Doãn Toản cho rằng, cần đẩy mạnh khoán chi theo biên chế. Như vậy, đơn vị có thể chủ động với phần ngân sách được giao; nếu số người giảm do nghỉ hưu thì có thể không tuyển người mới mà bộ phận có người giảm đi đó vẫn được dùng số kinh phí như cũ nếu đảm đương được phần việc. Tới đây, sở sẽ đề xuất, tham mưu khoán kinh phí cho cấp xã, để cơ sở chủ động hoạt động gói gọn trong khoản ngân sách đó. Đồng tình với nội dung đề xuất tiếp tục thực hiện khoán chi nhưng Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, cần nhất phải rà soát, xem xét thực hiện việc chi đó có đúng không? Còn Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt bày tỏ, cải cách tài chính công cần khắc phục tình trạng dàn trải trong đầu tư (kể cả đầu tư xây dựng cơ bản và công trình trọng điểm). Việc khoán chi tiêu là cần nhưng chỉ có khoán, quản lý không chặt chẽ cũng dễ đến chi sai.

Minh bạch, rõ người, rõ việc

Muốn CCHC, cần thiết phải thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, cần sớm rà soát từng việc, tránh tình trạng việc này của cấp quận, huyện nhưng cấp thành phố thực hiện, việc của cấp thành phố thì quận, huyện lại đảm nhận. Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Nguyễn Ngọc Thạch đề nghị phân cấp, phân quyền mạnh hơn. Ví dụ, việc đo đạc khu đất xen kẹt ở một địa phương, cán bộ cấp huyện làm được nhưng quy định lại giao cho sở.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt cho rằng, CCHC đang là vấn đề bức thiết. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ không muốn CCHC vì muốn "nhiều người đến và một người đến nhiều lần". Hiện nay, tổ chức bộ máy một số địa phương đang chồng chéo, có nơi hình thành 2 ban quản lý dự án, trung tâm quỹ đất, dẫn đến quản lý chồng lấn. Từng cơ quan, từng ngành, địa phương cần rà soát lại toàn bộ các nội dung, công việc báo cáo UBND thành phố, cái gì làm được, chưa làm được, từ đó chọn mỗi năm làm từ một đến hai việc căn bản.

Kết luận về lĩnh vực này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Kế hoạch CCHC nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 rất quan trọng, là sự cụ thể hóa các nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thành ủy Hà Nội và HĐND thành phố, có tác động lớn đến nhiều cấp, ngành và lĩnh vực. UBND thành phố sẽ ban hành kế hoạch ngay sau khi có Chương trình công tác của Thành ủy nhưng có một số nội dung, công việc trước mắt có thể thực hiện ngay trên cơ sở thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của TP Hà Nội mà HĐND thành phố đã ban hành. Xác định sẽ có trở ngại, khó khăn trong quá trình thực hiện, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, dù khó khăn cũng sẽ quyết tâm cải cách, làm từng bước, thận trọng, việc nào cấp thiết thì làm trước với mục tiêu cao nhất chuyển từ nền hành chính "xin - cho" sang nền hành chính phục vụ. Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, muốn CCHC, phải nhìn rõ quy trình của từng bộ phận thì mới sửa, thay đổi, bỏ và rút ngắn thủ tục nào? Bộ phận nào? Và chỉ có thể minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ nhiệm vụ thì mới CCHC được. Vì thế, Kế hoạch CCHC nhà nước của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 phải chi tiết từng lĩnh vực, không chung chung, phân công sát công việc từng ngành, từng cấp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nền hành chính phục vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.