Thành phố Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu giữ vững vị thế là một trong 3 tỉnh, thành có chỉ số chuyển đổi số cao nhất cả nước, đưa nền hành chính lên nền tảng số trong năm 2025.
Chiều 4-12, tại Hội nghị lần thứ 34, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đề ra phương hướng cũng như giải pháp đưa thành phố bước vào kỷ nguyên mới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra nhiều thách thức mà thành phố đang đối mặt. Theo đó, hiện thành phố đang thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên trách quản trị mạng và an toàn thông tin trong cơ quan Nhà nước, đặc biệt tại các cấp cơ sở. Việc này dẫn đến rủi ro về bảo đảm an toàn thông tin khi toàn bộ hệ thống đã được đưa lên môi trường số, dữ liệu trở thành tài sản có giá trị.
Hạ tầng số, dữ liệu số chưa hoàn thiện, chưa được khai thác triệt để để góp phần nâng cao năng lực chính quyền số và thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Việc phát triển dữ liệu mở để xây dựng hệ sinh thái sáng tạo giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các trường đại học cũng như hỗ trợ các start-up còn hạn chế.
Các đại biểu cũng xác định, dịch vụ hành chính công trực tuyến tuy có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được 3 mục tiêu lớn: Cá nhân hóa, tái sử dụng dữ liệu, không có ranh giới về địa giới hành chính. Mặc dù kinh tế số đang tăng trưởng, nhưng đóng góp vào GRDP vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Một bộ phận người dân vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số, hoặc thiếu thiết bị, hoặc chưa được huấn luyện kỹ năng.
Để khắc phục những vấn đề trên, thành phố Hồ Chí Minh xác định chủ đề năm 2025 và nội dung trọng tâm trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XII gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số là hoàn toàn phù hợp với định hướng và quyết tâm của Trung ương.
Thành phố Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu giữ vững vị thế là một trong 3 tỉnh, thành có chỉ số chuyển đổi số cao nhất nước. Trong đó, thành phố sẽ tiếp tục dẫn đầu về hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu). Hạ tầng số được đầu tư mạnh có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư.
Phát triển kinh tế số không chỉ đạt chỉ tiêu đã đặt ra là 25% GRDP vào 2025 và 40% GRDP vào năm 2030, mà còn phải trở thành một trong những động lực tăng trưởng mới của thành phố, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Chỉ tiêu đến năm 2030 của thành phố Hồ Chí Minh cao hơn chỉ tiêu quốc gia 10%, cho thấy khát vọng của thành phố rất lớn.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu đưa các hoạt động chỉ đạo, điều hành và nền hành chính của thành phố lên nền tảng số; chỉ đạo, điều hành, báo cáo, đánh giá trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Chỉ số LOSI (Dịch vụ trực tuyến địa phương) tăng lên nhóm 50 thành phố tiêu biểu của các quốc gia trên thế giới (hiện nay đang xếp thứ 53).
Ngoài ra, thành phố tập trung phát triển Cổng dịch vụ công, các dịch vụ, tiện ích số cho người dân và doanh nghiệp với phương châm “người dân và doanh nghiệp là chủ thể và mục tiêu phục vụ của chuyển đổi số”. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, trọng tâm là phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại hội nghị, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, như tiếp tục lãnh đạo toàn hệ thống chính trị tập trung cho công tác chuyển đổi số; người đứng đầu các cấp, các ngành là người trực tiếp chỉ đạo. Đồng thời, xây dựng những chính sách, cơ chế có tính vượt trội để thúc đẩy chuyển đổi số: Bố trí ít nhất 2% tổng chi ngân sách hằng năm cho chuyển đổi số (hiện nay là 1,2%); mở rộng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; ban hành một số cơ chế ưu đãi đầu tư trên lĩnh vực công nghệ số...
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đầu tư mạnh cho hạ tầng số để duy trì vị thế dẫn đầu, tạo môi trường thu hút nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược. Kiên trì xây dựng dữ liệu số trong cơ quan Nhà nước, từ đó mở rộng cho doanh nghiệp khai thác, tạo ra giá trị tăng thêm; đẩy nhanh 8 nền tảng số chuyên ngành còn lại để hoàn thành đưa nền hành chính thành phố lên nền tảng số trong năm 2025. Lãnh đạo thành phố tiên phong trong chỉ đạo, điều hành và nhận báo cáo trên hệ thống quản trị thực thi thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hành chính công và các lĩnh vực chuyên ngành.
Thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho người dân; hoàn thành mục tiêu: Định danh, cá nhân hóa; tái sử dụng dữ liệu; không ranh giới về địa chính. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực số cho người dân.
Đối với kinh tế số, thành phố tập trung 4 nhóm giải pháp quan trọng: Chuyển đổi số các ngành trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; phát triển thương mại điện tử và xây dựng ít nhất một Khu công nghệ thông tin tập trung mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.