Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu, tạo nguồn để phát triển Đảng trong các khu công nghiệp

Hương Ly| 16/06/2022 15:29

Vượt qua những khó khăn, thử thách, 10 năm qua, Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt những “nhiệm vụ khó” được giao. Trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long khẳng định, giai đoạn tới, Ban Thường vụ Đảng ủy tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, phấn đấu hoàn thành tốt công tác xây dựng Đảng, nỗ lực xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu là các đoàn viên, hội  viên, tạo nguồn để phát triển Đảng trong khu công nghiệp.

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất.

- Chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã có không ít khó khăn, thử thách. Xin đồng chí chia sẻ đôi nét về những kết quả mà Đảng bộ đã đạt được trong thời gian qua?

- Ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”, tháng 6-2012, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1771-QĐ/TU thành lập Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, là đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy.

Bí thư Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố.

Khi mới thành lập, Đảng bộ chỉ có 5 tổ chức Đảng, với 248 đảng viên. Đảng bộ ra đời trong điều kiện nền kinh tế trong nước và thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng và suy giảm nên công tác phát triển Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp cũng có rất nhiều khó khăn, thử thách; đòi hỏi sự kiên trì, linh hoạt của những cán bộ làm công tác phát triển Đảng thì mới có thể đáp ứng những mục tiêu được Ban Thường vụ Thành ủy đặt ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TU. Song, vượt qua những khó khăn, thử thách, công tác chính trị, tư tưởng luôn được Ban Thường vụ Đảng ủy triển khai nền nếp, bài bản. 

Ngày 13-4-2016, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 775-QĐ/TU về việc nâng cấp Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thành đảng bộ cấp trên cơ sở. Đây là quyết định mang tính bước ngoặt, tạo tiền đề quan trọng giúp Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2018-2020, Đảng ủy đã hoàn thành nghiên cứu Đề tài khoa học cấp thành phố “Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn hiện nay - Thực trạng và giải pháp”.

Đề tài đã xây dựng Bộ tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng cho cán bộ các cấp ủy Đảng, đảng viên và triển khai rộng rãi đến người lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội… cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động.

Bí thư Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long trao quyết định thành lập Đảng bộ Khu công nghiệp Quang Minh.

Ngay sau đại hội đại biểu lần thứ II (nhiệm kỳ 2020-2025), mặc dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các mặt công tác của Đảng bộ, song với tinh thần đoàn kết, thống nhất, Ban Thường vụ Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã triển khai các biện pháp kịp thời, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước tại các khu công nghiệp, bảo đảm bám sát chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội.

Sau 10 năm hoạt động, tính đến tháng 5-2022, số tổ chức Đảng thuộc đảng bộ đã tăng lên 19,2 lần, số đảng viên tăng lên 5,35 lần so với lúc đầu thành lập. Đến nay, Đảng bộ đã tiếp nhận 7 tổ chức Đảng từ các quận, huyện; thành lập mới 84 tổ chức Đảng, kết nạp được 998 đảng viên; nâng tổng số tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ lên 96 tổ chức Đảng, với 1.328 đảng viên.

Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động thành lập mới được 203 tổ chức công đoàn cơ sở và phát triển được 134.369 công đoàn viên, nâng tổng số tổ chức công đoàn cơ sở hiện nay lên 315 tổ chức, với 135.460 đoàn viên. Đoàn Thanh niên các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã thành lập mới được 39 tổ chức Đoàn cơ sở, phát triển được 2.855 đoàn viên, nâng tổng số tổ chức đoàn cơ sở hiện nay lên 44 tổ chức, với 3.555 đoàn viên…

Đáng chú ý, Đảng ủy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất cũng đã hoàn thành Đề án “Thành lập 2-5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025” và đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 65/QĐ-UBND, ngày 7-1-2022…

Những kết quả mà toàn Đảng bộ đạt được đã góp phần tích cực vào kết quả phát triển chung của Thủ đô Hà Nội những năm qua.

Các khu công nghiệp Hà Nội đã thu hút được nhiều dự án lớn, góp phần tích cực vào kết quả phát triển chung của Thủ đô.

- Cùng với nỗ lực phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp, Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo thu hút được nhiều dự án lớn vào các khu công nghiệp và chế xuất. Đồng chí có thể chia sẻ đôi nét về những kết quả này?

- Song hành với việc triển khai công tác xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước tại các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội luôn được Ban Thường vụ Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất quan tâm, chỉ đạo thực hiện.

Thống kê cho thấy, lũy kế đến hết năm 2021, các khu công nghiệp của Hà Nội đã thu hút được trên 700 dự án, trong đó có 303 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,43 tỷ USD; 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 18.000 tỷ đồng; bình quân 1ha đất thu hút 5,5 triệu USD vốn đăng ký đầu tư.

Doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 4.855 triệu USD, tăng 16,71% so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu đạt 3.645 triệu USD, tăng 16,37% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu đạt 2.645 triệu USD, tăng 14,75% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 180 triệu USD, tăng 9,26% so với cùng kỳ năm 2021.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất cũng là một trong những đơn vị được thành phố ghi nhận và đánh giá cao về công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý thực hiện dịch vụ công mức 3, 4 đồng bộ nhằm kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo hướng nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí cho doanh nghiệp… qua đó góp phần tích cực vào kết quả phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.

Những tháng cuối năm, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp năm 2022 đạt 400 triệu USD (tăng 33,3% so với năm 2021).

Bên cạnh đó, Ban Quản lý sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm có mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư thứ phát vào khu công nghiệp của Hà Nội trong 6 tháng cuối năm 2022.

- Từ chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất, xin đồng chí chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu cũng như định hướng quan trọng mà Ban Thường vụ Đảng ủy sẽ triển khai trong thời gian tới?

 - Để vượt qua những khó khăn, thử thách chưa có tiền lệ và hoàn thành nhiệm vụ khó được Ban Thường vụ Thành ủy tin tưởng giao phó là: Xây dựng và phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp, chế xuất, bài học đầu tiên chính là phải quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Thành ủy; bám sát chỉ đạo, tranh thủ sự quan tâm của Thành ủy, sự phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện của các ban Đảng Thành ủy; các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố.

Đặc biệt, cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội với các quận, huyện có khu công nghiệp đóng trên địa bàn; các sở, ban, ngành của thành phố và lãnh đạo doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Cùng với đó, cần đồng hành, đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển…

Trong gian đoạn tới, Ban Thường vụ Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội sẽ không ngừng đổi mới phương pháp làm việc theo hướng khoa học, hiệu quả, sâu sát hoạt động của doanh nghiệp để tạo nguồn thành lập các tổ chức đảng, kết nạp thêm đảng viên mới.

Song hành với việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU, Ban Thường vụ Đảng ủy cũng phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập từ 5 đến 7 khu công nghiệp theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; tập trung xây dựng các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, nhằm xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu là các đoàn viên, hội viên, tạo nguồn quan trọng để kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

Ban Thường vụ Đảng ủy cũng sẽ nỗ lực làm tốt công tác xây dựng Đảng để tạo ra những dấu ấn nổi bật. Từ đó, khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, giúp chủ các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện để các tổ chức hoạt động hiệu quả.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu, tạo nguồn để phát triển Đảng trong các khu công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.