Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng gia đình văn hóa: Mới chỉ mang tính phong trào…

Lâm Vũ| 18/01/2014 07:24

(HNM) - Theo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở, năm 2012 cả nước có 16,4 triệu/21,5 triệu hộ gia đình đạt chuẩn danh hiệu


Ít người… quan tâm

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), chỉ có 29,5% số người được hỏi "biết rõ" về các tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 55,2% "có nghe nói" nhưng không biết rõ về các tiêu chuẩn và còn 15,2% trả lời "không biết". Tỷ lệ người biết đến nội dung, tiêu chuẩn của một gia đình văn hóa chưa cao phản ánh tình trạng rất ít người dân quan tâm phong trào này. Trong các cuộc tọa đàm với các nhà nghiên cứu, nhiều ý kiến cho biết, cuộc vận động và bình bầu gia đình văn hóa chỉ là hoạt động mang tính hình thức, ít tác dụng. Ông N.V.N (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) chia sẻ: "Được nhận danh hiệu gia đình văn hóa, lẽ ra chúng tôi phải cảm thấy vinh dự, vì đó không chỉ là cố gắng của cá nhân mà là cố gắng của cả gia đình, với 2, 3 thế hệ, thậm chí 4 thế hệ, nhưng chuyện đó lại cho chúng tôi cảm giác ngược lại".

Sự quan tâm, chia sẻ giữa các thành viên là yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng gia đình văn hóa. Ảnh: Bảo Lâm



Cũng theo nghiên cứu trên, các tiêu chuẩn để công nhận gia đình văn hóa cũng còn khúc mắc. Ví dụ, gia đình nghèo không được xét duyệt cũng là điều cần xem xét bởi lẽ tuy nghèo về kinh tế nhưng hộ nghèo chưa chắc đã "nghèo" về văn hóa. Không xem xét hộ nghèo là cách làm cứng nhắc và không khuyến khích người dân tham gia phong trào. Về cách tổ chức thực hiện phong trào cũng có nhiều tồn tại. Có địa phương phát động đăng ký đầu năm, bình xét cuối năm, nhưng cũng có địa phương, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố thay mặt dân làm hết, cuối năm phát cho các gia đình giấy chứng nhận gia đình văn hóa. Chính vì vậy, không ít người cho rằng tỷ lệ gia đình văn hóa mà các cơ quan chức năng công bố không phản ánh đúng thực tế.

Một bất cập nữa là hằng năm, các gia đình văn hóa chỉ được khen chứ không được thưởng, mà khen cũng chưa "tới" bởi mỗi gia đình chỉ được phát một tờ giấy công nhận gia đình văn hóa. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoa, Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), chính vì không có thưởng nên nhiều người cho rằng không thiết thực. Tờ giấy công nhận gia đình văn hóa, người ta cất đi hoặc bỏ đâu mất và thế là không ai biết đến danh hiệu này. Với tâm lý ưa hình thức của người dân Việt Nam, việc công nhận gia đình văn hóa theo cách trên không có ý nghĩa. Trong nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Hoa, rất nhiều người đề nghị Ban chỉ đạo phong trào có hình thức tuyên dương, khen thưởng các gia đình văn hóa theo cách thức phù hợp với đặc điểm tâm lý xã hội của người dân, ví dụ đọc tên trên hệ thống phát thanh của phường, xã; dán danh sách các gia đình văn hóa ở bản tin của tổ dân phố...

Chưa tìm ra giải pháp hiệu quả

Theo một khảo sát của Viện Tâm lý học, có 94,6% gia đình đăng ký tham gia xây dựng gia đình văn hóa, tuy nhiên cũng có tới 29,7% tham gia một cách thụ động. PGS.TS Nguyễn Thị Hoa cho rằng, người dân tham gia phong trào vì nhiều lý do như ganh đua, sợ áp lực của tổ dân phố (nếu không tham gia, sẽ bị ảnh hưởng đến thành tích của tổ dân phố). Chính vì tham gia theo phong trào nên nhiều gia đình không tự giác tìm hiểu các tiêu chuẩn gia đình văn hóa, không tự giác thực hiện nhiệm vụ của gia đình văn hóa. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc tham gia vệ sinh môi trường hay treo cờ mỗi dịp lễ Tết. Ở nhiều nơi, tổ trưởng tổ dân phố phải đi thúc giục, nhắc nhở. Thậm chí, còn xảy ra hiện tượng có gia đình không dọn vệ sinh tại nơi sinh sống, tổ trưởng phải làm thay cho được việc.

Theo TS Đỗ Ngọc Khanh, Viện Tâm lý học, khó khăn lớn nhất cản trở việc thực hiện phong trào là các thành viên trong gia đình bận rộn, không có thời gian tham gia các hoạt động của tổ dân phố. Những năm gần đây, kinh tế đi xuống khiến ai cũng phải đầu tư nhiều thời gian hơn để làm việc, kiếm tiền, cải thiện cuộc sống. Chính vì vậy, quỹ thời gian của mỗi người đều bị thu hẹp. Kết quả là thời gian dành cho công việc chung của cộng đồng ít đi, người dân không để tâm những gì mà họ coi là không mang lại lợi ích kinh tế.

Có một thực tế hiện nay là cán bộ tổ dân phố thường quan tâm, đôn đốc người dân thực hiện những nhiệm vụ bề nổi, như: Treo cờ, dọn vệ sinh, tham gia các cuộc họp mà dường như ít có biện pháp hiệu quả hỗ trợ họ đạt được mục tiêu củng cố tình đoàn kết, gắn bó, nâng cao đời sống tinh thần, ổn định đời sống vật chất của gia đình; giáo dục con cháu chăm ngoan, hiếu thảo… Vì thế, không ít người dân có cảm nhận rằng, phong trào mang nặng tính hình thức, ít có ý nghĩa thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng gia đình văn hóa: Mới chỉ mang tính phong trào…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.