Năm 2023, huyện Thạch Thất triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa.
Giải pháp trọng tâm là bám sát mục tiêu, thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra tại Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; và Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tùy theo đặc thù văn hóa, nếp sinh hoạt của người dân, mà các xã, thị trấn trên địa bàn huyện lại có cách xây dựng, thực hiện các tiêu chí khác nhau. Điều này giúp mỗi người dân phát huy tốt vai trò là chủ thể văn hóa ngay từ gia đình, cộng đồng làng, xã.
Nhờ sự đồng lòng thực hiện của người dân, huyện Thạch Thất đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác xây dựng đời sống văn hóa, rõ nhất là tỷ lệ gia đình, thôn, làng, tổ dân phố văn hóa ngày càng tăng.
Nếu như năm 2018, huyện Thạch Thất có 88,2% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, thì đến năm 2023, tỷ lệ này tăng lên 89,8%. Tương tự, tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố văn hóa tăng từ 78,1% vào năm 2018 lên khoảng 88% vào năm 2023. Đáng chú ý, các xã, thị trấn xuất hiện này càng nhiều tập thể, cá nhân có lối sống đẹp, ứng xử văn minh, sẵn sàng vì cộng đồng. Điển hình là nhân dân thôn 4, xã Yên Bình tự nguyện hiến đất, hiến ngày công để làm đường giao thông nông thôn hay gia đình ông Nguyễn Trung Thành (xã Bình Yên) hiến 260 m2 đất để Nhà nước thực hiện dự án làm đường giao thông…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.