Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo đáp ứng cả ‘’chất’’ và ‘’lượng’’

Tiến sĩ Bùi Thế Đức| 01/08/2020 06:20

(HNM) - Công tác tuyên giáo là bộ phận cấu thành đặc biệt trong toàn bộ các hoạt động của Đảng. Đây là lĩnh vực trọng yếu của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức, góp phần quan trọng vào việc hình thành Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân. Qua đó biến chủ trương, đường lối, chính sách ấy thành hành động cách mạng một cách tự giác của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo thành các cao trào cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng với các đại biểu dự hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019. Ảnh: TTXVN

1. Những thành tựu trong 90 năm qua của công tác tuyên giáo của Đảng có dấu ấn đậm nét của lớp lớp các thế hệ cán bộ ngành Tuyên giáo - những chiến sĩ đã được Đảng quan tâm chăm lo, đào tạo, giáo dục, rèn luyện. Từ những cán bộ đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc đào tạo để trở thành những chiến sĩ cộng sản, ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội. Đến nay, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng không chỉ lớn mạnh về số lượng, về lực lượng và binh chủng, dày dạn kinh nghiệm thực tiễn, được kinh qua thử thách, khó khăn; mà còn được tổ chức chặt chẽ, có hệ thống rộng khắp từ Trung ương tới cơ sở, với những phương tiện và điều kiện hoạt động ngày càng hiệu quả. Đội ngũ ấy đã, đang luôn luôn là những người đi trước, đi cùng và góp sức quan trọng trong chặng đường đổi mới gần 35 năm qua của đất nước ta.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, trong nước sẽ tiếp tục có những diễn biến mới, phức tạp, nhanh chóng, khó lường. 4 nguy cơ mà Đảng ta nêu ra từ Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa VII (chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tụt hậu xa hơn về kinh tế, tham nhũng và “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch) vẫn còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn, lại xuất hiện thêm một nguy cơ mới là nền kinh tế nước ta nếu không phát triển nhanh hơn, sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Thêm vào đó, 4 vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay: An toàn an ninh mạng, an toàn môi trường, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm đang hằng ngày, hằng giờ tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, chất lượng cuộc sống và sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ. Lợi dụng những khó khăn này, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, đặc biệt là thời điểm trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bối cảnh của tình hình mới đó đòi hỏi công tác tuyên giáo phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động mới có thể đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Chính vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; tinh thông, nhanh nhạy và sáng tạo, có phương pháp làm việc khoa học… xứng đáng là “người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng” có vai trò vô cùng quan trọng trong tình hình hiện nay.

Đội ngũ cán bộ tuyên giáo trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cần bảo đảm các tiêu chí về phẩm chất, năng lực cơ bản sau:

Thứ nhất, cán bộ tuyên giáo phải có bản lĩnh chính trị, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sáng, lành mạnh, phải có “tâm” và “tầm”.

Đây là tiêu chí đầu tiên rất quan trọng. Là cầu nối giữa nhân dân với Đảng là người gieo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, vì vậy bản thân các cán bộ làm công tác tuyên giáo phải thực sự là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng, sự kiên định vững vàng và đạo đức, lối sống để nâng cao tính Đảng, tính chiến đấu và tính thuyết phục của công tác tuyên giáo.

Cái “tâm” của mỗi cán bộ tuyên giáo thể hiện rõ trong sự kiên định với lý tưởng, với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; là bản lĩnh vững vàng trước cám dỗ của cơ chế thị trường, dũng cảm trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống quan điểm sai trái, thù địch; trong sáng, lành mạnh trong lối sống.

Cái “tầm” lại thể hiện ở sự am hiểu sâu sắc, ở trình độ chuyên môn khoa học được đào tạo cơ bản trên một nền tảng văn hóa vững chắc; chủ động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh; dám nghĩ, dám làm trong đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo; sự thông thạo trong ứng dụng khoa học, công nghệ vào công việc một cách hiệu quả; có nhãn quan dự báo tình hình và nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội.

Thứ hai, cán bộ tuyên giáo phải có lòng say mê và tâm huyết nghề nghiệp.

Công tác tuyên giáo của Đảng hiện nay diễn ra trong điều kiện có nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, trong khi đó yêu cầu, nhiệm vụ ngày một cao nhưng chế độ, chính sách và điều kiện làm việc còn bất cập, chưa tương xứng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ rất cần lòng say mê và tâm huyết nghề nghiệp. Đây là động lực khơi nguồn sáng tạo trong công việc của cá nhân.

Thứ ba, cán bộ tuyên giáo phải bám sát thực tiễn và gắn bó mật thiết với nhân dân.

Công tác tuyên giáo phải gắn với thực tiễn cuộc sống. Cán bộ làm công tác tuyên giáo phải đi sâu, đi sát thực tế, để kịp thời giải đáp những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Đắm mình vào thực tiễn, gần gũi với nhân dân, cán bộ tuyên giáo mới có thể phát hiện được những diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội nảy sinh, những “điểm nóng”, những tình huống tư tưởng, trên cơ sở đó kịp thời tham mưu, đề xuất những dự báo, giải pháp công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo. Có như vậy, hoạt động của đội ngũ cán bộ tuyên giáo mới sinh động, giàu sức sống và có tính thuyết phục.

Thứ tư, cán bộ tuyên giáo cần có phương pháp, tác phong làm việc khoa học.

Phương pháp, tác phong làm việc giữ vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Người cán bộ tuy có tri thức năng lực, nhiệt tình nhưng nếu thiếu phương pháp, tác phong làm việc tốt cũng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao. Đối với công tác tuyên giáo, người cán bộ phải luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở để giải thích cho quần chúng nhân dân; luôn phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, bằng quan điểm của Đảng, nói cho quần chúng biết rõ sự thật và hướng họ hành động đúng; tiến hành các hoạt động tư tưởng bài bản, chặt chẽ, nghiên cứu kỹ đối tượng, có sự vận dụng tích hợp những thành tựu mới của khoa học tâm lý, khoa học sư phạm, tổng kết kinh nghiệm công tác tuyên giáo của Đảng ta, tạo một cơ sở khoa học vững chắc cho công tác tuyên giáo...

2. Để tiếp tục xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tuyên giáo của Đảng, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:

Đoàn xe lưu động tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trên các tuyến phố trung tâm thành phố Hà Nội.

Một là, tiếp tục hoàn thiện chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, cấp ủy Đảng các cấp cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo, đủ số lượng và tinh về chất lượng.

Hai là, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo được tham gia các khóa học tập dài hạn, ngắn hạn về cả chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Các cấp ủy Đảng từ Trung ương tới địa phương cần lập kế hoạch dài hạn và hằng năm nhằm bảo đảm cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên giáo phải được đào tạo bài bản, chính quy, có khả năng phát triển lâu dài bằng nghề nghiệp, đồng thời tạo nguồn cho cán bộ của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.

Ba là, khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ tuyên giáo chủ động, sáng tạo trong đổi mới phương thức hoạt động; sử dụng triệt để những tiện ích, công nghệ thông tin hiện đại trong công tác tuyên giáo, trong việc đấu tranh, phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…

Bốn là, thực hiện tốt công tác luân chuyển, tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác tuyên giáo được rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn. Môi trường, điều kiện làm việc khác nhau sẽ giúp cho cán bộ phát huy được khả năng, sức sáng tạo, đồng thời, tránh được tình trạng xa rời thực tiễn, nhất là với cán bộ trong diện quy hoạch, cán bộ chưa qua thực tiễn.

Năm là, ban hành và thực hiện một số chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách. Có cơ chế, chính sách phù hợp không chỉ hấp dẫn được những cán bộ có trình độ, chuyên môn giỏi mà còn khuyến khích sự sáng tạo, đề cao trách nhiệm cá nhân; thu hút nhân tài vào làm việc trong ngành Tuyên giáo của Đảng.

Đường lối của Đảng chỉ có thể biến thành hiện thực khi có đội ngũ cán bộ tương xứng để tổ chức, triển khai, thực hiện. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng đáp ứng yêu cầu cả “chất” và “lượng” cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó và là bài học vô cùng quan trọng trong công tác tuyên giáo của Đảng. Đây là trách nhiệm của Đảng, trong đó Ban Tuyên giáo các cấp cần phải chủ động, tích cực tham mưu giúp cho cấp ủy Đảng có các biện pháp hữu hiệu để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng từ Trung ương tới địa phương đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

Tiến sĩ BÙI THẾ ĐỨC
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương;
nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo đáp ứng cả ‘’chất’’ và ‘’lượng’’

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.