(HNM) - Theo tin từ Bộ Tư pháp, đến nay, cả nước đã thành lập được 60/63 Hội Công chứng viên (tăng 15 lần so với thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006, đạt tỷ lệ 93%) và Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên từ trung ương đến địa phương. Ngay sau khi thành lập, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đã quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động để triển khai nhiệm vụ tự quản theo quy định của pháp luật, tích cực xây dựng các quy chế nội bộ; xây dựng Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công chứng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Quy định của pháp luật về công chứng và hành nghề công chứng còn thiếu, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, đặc thù của nghề công chứng. Nguồn lực và các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác quản lý nhà nước về công chứng còn hạn hẹp (nhiều địa phương, số lượng công chức làm việc ở Phòng Bổ trợ tư pháp chỉ có một đến hai người, trong khi phải triển khai nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp).
Do đó, để hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực công chứng, Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu thể chế, phát triển đội ngũ công chứng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn để vừa tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhưng vẫn bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng đầy đủ, kịp thời tại các vùng địa bàn khó khăn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp; xây dựng đề án chuyển đổi số trong hoạt động công chứng; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về công chứng của từng địa phương, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc để tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả và an toàn của hoạt động công chứng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.