(HNM) - Chủ trương xây dựng chính quyền điện tử của TP Hà Nội đã bước đầu đạt kết quả khả quan khi tỷ lệ nộp trực tuyến hồ sơ thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp trên toàn thành phố đạt gần 70%, ở nhiều quận đạt hơn 90%.
Khu vực tra cứu phục vụ công dân tại bộ phận “một cửa” quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Viết Thành |
Người dân hài lòng
Chị Nguyễn Thị Thu (ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) vừa đăng ký tuyển sinh thành công cho con vào lớp 6 vui mừng chia sẻ: “Đúng lịch thông báo, sáng 23-6, tôi đăng nhập vào hệ thống Tuyển sinh trực tuyến TP Hà Nội để đăng ký cho con, lúc đầu cũng thấp thỏm vì sợ nghẽn mạng, nhưng không ngờ là rất nhanh. Sau khi điền đầy đủ thông tin là hệ thống báo: Đăng ký tuyển sinh thành công”. Tương tự, ông Nguyễn Xuân Bằng (ở thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín) lần đầu tiên làm giấy khai sinh cho cháu nội bằng hình thức nộp trực tuyến, cũng rất bất ngờ bởi vừa đăng ký hôm trước, hôm sau đã nhận được tin báo nhận kết quả.
Cũng như chị Thu và ông Bằng, ngày càng nhiều người dân thấy hài lòng và tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hiện tỷ lệ người nộp hồ sơ trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp đạt gần 70% (nhiều quận đạt hơn 90%). Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt hơn 70%; doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt hơn 98%; bảo hiểm xã hội đạt hơn 80%; đăng ký hộ chiếu phổ thông đạt hơn 80%... Đặc biệt, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội đã tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước đến nay.
Để tạo sự đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cũng đang tích cực xây dựng mô hình khu dân cư điện tử. UBND phường Hạ Đình là đơn vị tiên phong thực hiện khu dân cư điện tử của quận Thanh Xuân. Các điểm đặt thiết bị kết nối mạng, hỗ trợ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của phường tại 3 tổ dân phố 6, 7, 8 đến nay đều được duy trì tốt, hiệu quả. Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hạ Đình Nguyễn Thị Nhung là một trong những tình nguyện viên tuyên truyền tích cực, cho biết: “Tôi có nhiệm vụ phổ biến cho mọi người biết về lợi ích của hình thức nộp hồ sơ qua mạng. Mới đầu mọi người còn thấy bỡ ngỡ nhưng đến nay ai cũng thực hiện được và đều thấy hài lòng”.
Bước vào sảnh tòa CT1B2 chung cư Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông), thấy rõ bảng thông báo về “Quy trình giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến”. Trên bảng có kẹp tài liệu hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp quận, cấp phường cùng sơ đồ các bước tiến hành. Ông Nguyễn Thế Khanh, Trưởng tòa CT1B2 cho biết: “Tòa nhà có 333 hộ với khoảng 1.000 cư dân và xung quanh có nhiều tòa nhà khác nên việc đặt điểm hỗ trợ tại đây là phù hợp. Chúng tôi phân công người trực và trông coi hệ thống máy tính từ 6h đến 22h hằng ngày, đồng thời công khai số điện thoại hỗ trợ người dân”.
Mô hình khu dân cư điện tử giờ đây đã xuất hiện ở khá nhiều nơi như: Khu dân cư điện tử Hapulico (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân), chung cư điện tử HH1 và HH2 (phường Gia Thụy, quận Long Biên)... Riêng quận Hà Đông có tới 34 điểm hỗ trợ tại các khu dân cư, nhà văn hóa, phòng sinh hoạt cộng đồng hoặc sảnh của các tòa chung cư ở 17/17 phường, góp phần giúp người dân hiểu và thực hiện nộp hồ sơ qua mạng. Việc nộp hồ sơ qua mạng đã giúp công dân được nhận kết quả sớm và giảm thời gian, công sức đi lại.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phan Lan Tú: “Có được kết quả trên là do TP Hà Nội triển khai chính quyền điện tử quyết liệt, mạnh mẽ, bài bản theo hướng tập trung, thống nhất. Nhiều đơn vị đã sáng tạo trong công tác tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến”.
Tiếp tục chủ động giải quyết vướng mắc phát sinh
Hướng dẫn người dân đăng ký dịch vụ công tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Nhật Nam |
Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế cho thấy, quá trình xây dựng chính quyền điện tử cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần các cấp, các ngành giải quyết chủ động, tích cực.
Nhìn chung, người dân vẫn chưa có thói quen giao tiếp với chính quyền qua mạng. Trong số hồ sơ nộp trực tuyến, tỷ lệ người dân tự thực hiện các thao tác trên máy tính chỉ từ 50% đến 70%, còn lại do cán bộ hỗ trợ điền thông tin. Cán bộ ở một số địa bàn, nhất là ở khu vực ngoại thành, chưa thật sự nhuần nhuyễn trong sử dụng phần mềm. Một thực tế nữa là tuy phần mềm được xây dựng công phu nhưng chưa thân thiện; hệ thống đường truyền ở một số nơi chưa tốt, chậm hoặc có lúc quá tải…
Có những địa bàn rộng, chính quyền phường, xã muốn bố trí điểm hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến nhưng thiếu kinh phí. Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) Đinh Thị Cẩm Nhung cho biết: “Phường không có kinh phí để bố trí các điểm hỗ trợ trực tuyến tại khu dân cư nên nhiều người dân vẫn phải đến phường nộp hồ sơ vì nhà không có máy tính kết nối mạng”. Đối với những nơi đã bố trí được địa điểm hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến thì đội ngũ tình nguyện viên phải thay nhau trực, trông coi trang thiết bị và cả hỗ trợ qua điện thoại bất kể giờ giấc mà không có kinh phí động viên…
Mới đây, tại hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Hà Nội đã tạo chuyển biến căn bản về xây dựng chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Thời gian tới, thành phố sẽ tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác và phát triển. Sự hài lòng của doanh nghiệp, công dân là thước đo đánh giá tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính quyền thành phố.
Về vấn đề này, bà Phan Lan Tú cho biết: “Thành phố mong muốn xây dựng chính quyền điện tử đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông kết nối để giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện, hài lòng khi sử dụng. Khi nhiều người dân nộp hồ sơ trực tuyến sẽ giúp hình thành thói quen, đồng thời góp phần hình thành cơ sở dữ liệu, kết nối hiệu quả với hệ thống cơ sở dữ liệu chung của thành phố. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cùng sự chủ động thực hiện của người dân”.
TP Hà Nội phấn đấu bảo đảm tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm 2017 đạt trên 40% số thủ tục hành chính và đến năm 2020 là 70 - 80%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.