Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng cách tiếp cận hai mặt với Nga

Thùy Dương| 23/06/2015 06:14

(HNM) - Mong muốn xây dựng một cách tiếp cận hai mặt với Nga, vừa mạnh mẽ lại vừa cân bằng và sẽ thuyết phục các đồng minh theo đuổi điều này là mục đích chuyến công du Châu Âu của ông chủ Lầu Năm Góc Ashton Carter.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đang có chuyến thăm Châu Âu 5 ngày.



Với lịch trình kéo dài từ ngày 21 đến 26-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Berlin (Đức), đến thăm Estonia và tham dự một cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ). Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với phương Tây có dấu hiệu tiếp tục leo thang.

Phát biểu trước chuyến công du tới Lục địa già, ông Carter cho biết, ông không thể chắc chắn rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thay đổi lập trường đối ngoại trong thời gian cầm quyền hay không. Do đó, Mỹ và các đồng minh cần phải có phương pháp tiếp cận theo hai hướng là vừa thắt chặt hợp tác với Mátxcơva trong một số vấn đề nhưng đồng thời ngăn chặn, đối phó với sự "xâm lược" của Nga. Vì vậy, một chủ đề quan trọng mà Bộ trưởng Carter sẽ thảo luận tại tất cả các điểm dừng chân trong chuyến công du là đề xuất triển khai thêm xe tăng, xe chiến đấu và khí tài quân sự tới Đông Âu phục vụ cho công tác huấn luyện và diễn tập. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ triển khai vũ khí tới các nước từng thuộc Liên Xô, kể từ kết thúc Chiến tranh lạnh. Kế hoạch này cũng nhằm củng cố mối liên kết giữa Mỹ và các nước đồng minh ở Đông Âu, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ tháng 3-2014. Đây cũng là hành động cương quyết nhất của Mỹ và NATO để tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực và gửi thông điệp rõ ràng đến Tổng thống V.Putin rằng, Mỹ quyết tâm bảo vệ các thành viên trong liên minh của mình.

Tuy nhiên, trong chuyến công du, ông Carter dự kiến cũng sẽ nhấn mạnh tới vai trò của Nga trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và thay đổi quyền lực một cách hòa bình ở Syria. Thực tế, trên nhiều góc độ, Mỹ vẫn đang cần sự hỗ trợ và ủng hộ của Nga trong các ưu tiên đối ngoại của mình. Nga và Mỹ tuy có những lợi ích khác nhau, nhưng hai nước lớn này vẫn cần đến nhau để giải quyết nhiều vấn đề mang tính quốc tế như chống khủng bố, môi trường hay hạt nhân. Hợp tác Nga - Mỹ có vai trò hết sức quan trọng đối với cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết thành công nhiều vấn đề phức tạp của thế giới. Cách duy nhất để khắc phục sự bất hòa là đối thoại và tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau.

Tuy nhiên, diễn tiến quan hệ với Nga đã không đi theo kịch bản "tái khởi động" mà Tổng thống Barack Obama đề ra khi mới lên nắm quyền từ đầu năm 2009. Thêm vào đó, sự kiện Ukraine như một phần của cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa phương Tây và Nga đã đẩy hai đối thủ thời Chiến tranh lạnh về hai đầu chiến tuyến. Chính sách tiếp cận vừa cứng rắn nhưng vẫn mềm dẻo trong quan hệ với Mátxcơva mà Bộ trưởng Quốc phòng Carter mang theo trong chuyến công du Châu Âu lần này chắc chắn chưa thể làm dịu bớt những căng thẳng đối ngoại lẫn xung đột lợi ích giữa hai cường quốc. Đặc biệt khi Mỹ vẫn thể hiện thái độ khá quyết liệt cũng như thực hiện những vận động về quân sự ở Đông Âu, khu vực vốn được xem là vùng cấm cực kỳ nhạy cảm với Nga. Dẫu rằng bất ổn hiện nay sẽ gần như không dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự nhưng đồng thời cũng khó tin rằng một sự thay đổi tích cực trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây sẽ diễn ra trong thời gian trước mắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cách tiếp cận hai mặt với Nga

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.