(HNM) - Xây dựng và phát triển các mô hình điểm, sản xuất theo chuỗi, tạo ra sản phẩm có chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác khuyến nông của ngành nông nghiệp Hà Nội. Nhiều mô hình hiệu quả đã được triển khai trong năm 2019.
Là một trong những mô hình điểm của lĩnh vực trồng trọt, mô hình xử lý rơm rạ tại ruộng sau thu hoạch lúa vụ xuân bằng chế phẩm vi sinh được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai trong năm 2019 đã nhận được sự ủng hộ tích cực của nông dân ở nhiều huyện trên địa bàn Hà Nội. Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai) Nguyễn Huy Oánh, vụ xuân năm 2019, xã được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ thực hiện mô hình xử lý rơm rạ tại ruộng sau thu hoạch lúa vụ xuân, quy mô 50ha. Nhờ đó, xã đã xử lý được 300 tấn rơm rạ thành phân bón hữu cơ.
Trưởng phòng Trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Văn Hà cho biết: Năm 2019, Trung tâm đã triển khai mô hình trên tại các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa với quy mô 250ha, xử lý được khoảng 1.500 tấn rơm rạ tại ruộng. Kết quả kiểm tra mẫu đất tại các điểm triển khai cho thấy, sau khi rơm rạ được xử lý thành phân hữu cơ đã cung cấp thêm lượng dinh dưỡng đáng kể cho đất, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế từ 6 đến 12,5%. Đặc biệt, xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rơm rạ không bị đốt bừa bãi...
Ngoài mô hình nêu trên, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn triển khai hiệu quả mô hình sử dụng thảo dược trong nuôi gà thả vườn với quy mô 50.000 con tại các huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn. Ông Nguyễn Văn Hải ở xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai) - một trong những chủ hộ tham gia mô hình này cho biết: Gà được nuôi bằng thức ăn thảo dược có sức đề kháng tốt, ít bị các bệnh về tiêu hóa, tỷ lệ gà sống đạt hơn 95%. Sau 4 tháng, gà xuất chuồng với trọng lượng bình quân 2,2kg/con. Với giá 90 nghìn đồng/kg, lợi nhuận đạt 55 triệu đồng/1.000 con, cao hơn 15% so với cách nuôi gà thông thường.
Theo Trưởng phòng Chăn nuôi, thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Hồng Sơn, sử dụng thảo dược trong nuôi gà thả vườn đã giúp nông dân thay đổi nhận thức trong chăn nuôi, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học mới mang lại hiệu quả kinh tế cao... Đáng chú ý, mô hình nuôi gà Mía thả vườn có bổ sung thảo dược được nhiều hộ gia đình triển khai không chỉ tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, mà còn góp phần bảo tồn, phát triển và nhân rộng thương hiệu gà Mía Sơn Tây (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây).
Ngoài hai mô hình nêu trên, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn triển khai thành công nhiều mô hình khác như: Mô hình sản xuất mạ khay; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP… Theo thống kê mới nhất, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai 18 dạng mô hình, trong đó 11 mô hình trồng trọt, cơ giới hóa; 4 mô hình chăn nuôi; 3 mô hình thủy sản... tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục nhân rộng những mô hình thành công và tổ chức thực hiện các mô hình mới, sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao…
Đánh giá về việc triển khai các mô hình điểm, mô hình sản xuất theo chuỗi của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhận định: Các mô hình khuyến nông triển khai đều có chất lượng tốt, đạt giá trị cao. Từ mô hình điểm hỗ trợ, nhiều nông dân và địa phương đã nhân rộng thành những mô hình lớn, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đóng góp tích cực vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.