(HNM) - Trong ngày họp cuối cùng của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH). Các vấn đề
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Hoa Ry phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên |
9 thách thức đối với kinh tế đất nước
Báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016 trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 6 tháng đầu năm kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; tỷ giá, thị trường ngoại hối không có biến động lớn, dự trữ ngoại tệ đạt mức cao nhất từ trước đến nay... Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cũng có không ít khó khăn, thách thức và theo Thủ tướng, chúng ta đang đối mặt với 9 vấn đề. Trong đó đáng chú ý như: Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn với nợ công bằng 62,2% GDP (cuối năm 2015); nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia đạt 43,1%. Việc sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn; quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công lãng phí, được coi là những nguyên nhân khiến bội chi ngân sách nhà nước liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Vấn đề xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn.
Quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế, dẫn đến đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng do dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra. Cải cách hành chính, năng lực xây dựng, thực thi pháp luật, cơ chế chính sách vẫn còn hạn chế... "Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2016 và 5 năm 2016-2020, chúng ta phải tiếp tục đổi mới toàn diện, sâu rộng, có những đột phá về cơ chế chính sách và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quyết liệt hành động, huy động mọi nguồn lực, phát huy dân chủ, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp." - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Giải quyết triệt để "hậu quả Formosa"
Sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung (gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, ngư dân mà còn kéo theo nhiều hệ lụy. Các ĐBQH kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện hỗ trợ người dân trong vùng bị thiệt hại và khu vực liên quan để người dân có việc làm, thu nhập, ổn định đời sống. Các ý kiến cũng kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa để bảo đảm không gây hậu quả tương tự đến môi trường trong tương lai. Đồng thời, có biện pháp khôi phục hệ sinh thái môi trường biển và ngư trường cho ngư dân. Đặc biệt, ĐBQH Hà Sỹ Đồng nêu rõ: "Việc quan trọng mà Quốc hội cần làm còn là nhanh chóng rà soát lại văn bản pháp luật để ngăn chặn ngay từ đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe dọa đến đời sống của nhân dân và có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người không còn đương chức".
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã đăng đàn trả lời các kiến nghị của ĐBQH nêu về sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đến nay, phía Công ty Formosa đã hoàn thành chuyển số tiền bồi thường ban đầu là 250 triệu USD và Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt việc hỗ trợ, bồi thường cho người dân. Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng cho biết, bên cạnh việc thực hiện xử phạt hành chính các hành vi vi phạm, hiện đã có kế hoạch rất toàn diện khắc phục những sai phạm của Formosa, từ vấn đề chuyển đổi công nghệ cho đến hoàn thiện lại hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chất thải. Đồng thời triển khai hệ thống ứng phó với sự cố môi trường như hồ sinh học, chỉ thị sinh học, có thể chứa lượng nước trước khi thải ra biển khoảng 7 ngày và có hệ thống quan trắc trực tuyến để giám sát tất cả các chỉ tiêu có liên quan mà có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển. Dự kiến, ngày 15-8 tới sẽ có các giải pháp cụ thể để có thể khắc phục nếu như còn tồn tại ô nhiễm; đồng thời xác định các giải pháp phục hồi hệ sinh thái môi trường biển.
Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình), việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ - một nghị quyết mang tính đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì sau hai năm, chỉ có 13/63 địa phương và 4/22 bộ, ngành có gửi báo cáo kết quả thực hiện về Chính phủ. Hay việc triển khai soạn thảo các nghị định thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã ban hành từ năm 2014 nhưng suốt cả năm 2015 và Quý I năm 2016, các bộ ngành vẫn “đủng đỉnh”... Kỷ luật thực thi công vụ không nghiêm đã vô hiệu hóa nhiều nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ. ĐBQH Nguyễn Hoàng Anh (Đoàn Cao Bằng) kiến nghị Chính phủ phải lượng hóa được mục tiêu cải cách hành chính, giảm bao nhiêu thủ tục hành chính, giảm bao nhiêu đầu mối, bao nhiêu ngày giờ trong những lĩnh vực nhạy cảm như thuế, hải quan, đất đai…
Trả lời kiến nghị của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo hai vấn đề: Tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả của đầu tư công. Trong đó, Bộ trưởng KH-ĐT nhấn mạnh việc thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thay đổi quan điểm của quản lý nhà nước từ quản lý chuyển sang phục vụ và chuyển từ khâu tiền kiểm sang khâu hậu kiểm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp giảm chi phí cho DN; xem xét để giảm lãi suất cho vay; rà soát, kiểm soát và giảm ít nhất 20% phí giao thông đường bộ, thực hiện cho vay ngoại tệ đối với các DN sản xuất hàng xuất khẩu và DN xuất khẩu. Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố hằng tháng tổ chức đối thoại trực tiếp, thực chất với DN, trực tiếp giải quyết vướng mắc khó khăn cho DN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.