Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xã viên đã được nhận lại ruộng, nhưng…

Minh Thúy| 21/06/2012 06:55

(HNM) - Sau khi Báo Hànộimới đăng bài

Gia đình bà Đỗ Thị Hiền (vợ ông Bách) đã được nhận lại 5,2 sào ruộng tại cánh đồng Mỏ Chim.


Nhiều tồn tại đã được "gỡ"

Theo số liệu của HTX Nông nghiệp Hồng Dương, trước năm 2012, toàn xã có 186 hộ nợ sản phẩm với HTX và nay còn 12 hộ. Sau khi bóc tách, số nợ gốc và lãi của các hộ được UBND huyện làm rõ, đáng chú ý là số nợ gốc chỉ chiếm rất nhỏ trong tổng nợ. Cụ thể: hộ bà Dương Thị Hải nợ 72.118,1kg thóc (nợ gốc là 9.326,4kg, sau khi trừ khoản thu được từ ruộng bị tạm giữ, hiện nợ gốc còn 366,2kg và nợ lãi 71.751,9kg); bà Tạ Thị Chót nợ 21.966,4kg (nợ gốc hiện còn 341kg, nợ lãi là 21.625,4kg)... Xét tình hình thực tế và nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp, UBND huyện yêu cầu xã Hồng Dương chỉ đạo HTX giao lại toàn bộ diện tích đất quỹ I cho 12 hộ, đồng thời các hộ này vẫn phải trả phần nợ gốc; các khoản lãi tạm thời khoanh nợ, giao Ban quản trị HTX nhiệm kỳ mới (2012-2017) xây dựng đề án trình Đại hội đại biểu xã viên quyết định; với hộ nghèo, gia đình chính sách không có khả năng thanh toán thì UBND xã, HTX xem xét miễn, giảm nợ theo từng thời điểm...

Tạm giữ ruộng là thực hiện theo văn bản của cơ quan thẩm quyền!!!

Năm 1992, xã Hồng Dương làm điểm về chia ruộng lâu dài cho xã viên (QĐ số 250, ngày 3-8-1992 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), Hướng dẫn số 18, ngày 11-8-1992 của UBND huyện Thanh Oai). Theo đó, những trường hợp cố tình không thanh toán nợ với HTX thì tùy mức độ nợ đọng để giữ lại một phần ruộng và số ruộng tạm giữ HTX cho đấu thầu, lấy sản phẩm phần tăng lên để trả nợ, khi nào trả hết nợ thì HTX trả lại ruộng cho xã viên. Trong Đề án điều chỉnh ruộng đất của xã Hồng Dương (ngày 14-8-1992) cũng quy định những đối tượng được giao ruộng nhưng không hoàn thành nghĩa vụ Nhà nước, nợ sản phẩm tập thể phải giữ lại một phần ruộng. Căn cứ quy định trên, khi tiến hành giao ruộng năm 1992, HTX đã tạm giữ một phần ruộng của những hộ nợ sản phẩm. Vì vậy, UBND huyện Thanh Oai kết luận: Việc tạm giữ ruộng quỹ I của các hộ xã viên năm 1992 của UBND xã, HTX là đúng quy định của UBND tỉnh và UBND huyện (thời điểm đó QĐ 250 đang có hiệu lực). Tuy nhiên, khi Luật Hợp tác xã, Luật Đất đai ra đời sau thời điểm năm 1992 thì không văn bản nào quy định HTX là cấp có thẩm quyền quản lý ruộng đất, nên HTX không có quyền tạm giữ ruộng. Như vậy, với những hộ phát sinh nợ mới sau năm 1992 và những hộ có nợ cũ từ trước năm 1992 nhưng sau đó phát sinh nợ mới mà HTX vẫn tạm giữ ruộng thì đã đúng quy định pháp luật chưa? Về việc này, UBND huyện Thanh Oai không dẫn chiếu văn bản pháp luật hay quyết định nào, mà cho rằng việc Ban quản trị HTX tạm giữ ruộng của những hộ phát sinh nợ mới và số lượng diện tích bị tạm giữ tăng của các hộ nợ đọng sản phẩm từ năm 1997 khi HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật đến nay là thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu xã viên HTX Nông nghiệp Hồng Dương ngày 5-6-1997 và 26-4-2007). Như vậy, HTX chỉ là đơn vị cung cấp về dịch vụ và người hưởng lợi từ dịch vụ phải có nghĩa vụ trả tiền, nếu không trả HTX có quyền đòi nợ, tuy nhiên việc đòi nợ phải tuân thủ pháp luật. Song, tại Đề án xử lý công nợ của HTX xây dựng năm 2011 vẫn quy định "Phát sinh nợ mới từ 50kg thóc trở lên và tiền nợ tương ứng HTX tạm giữ 1 sào ruộng và ngừng cung cấp các dịch vụ khác…". Vậy, Đại hội đại biểu xã viên có quyền biểu quyết vấn đề tạm giữ ruộng không?

Một số vấn đề cần phải tiếp tục làm rõ

Đề cập đến bản kết luận của UBND huyện Thanh Oai, một số hộ xã viên cho biết, nếu đối chiếu số ruộng HTX đã rút thì diện tích còn lại trên thực tế không khớp với tổng diện tích theo tiêu chuẩn giao ruộng năm 1992 vì bị thiếu. Quá trình đối thoại với các hộ dân, tổ công tác của huyện Thanh Oai đã đề cập đến vấn đề này, song không đưa vào Thông báo kết luận số 07/TBKL-UBND. Cụ thể: Theo số liệu của HTX thì hộ bà Tạ Thị Hải bị HTX tạm giữ 1.800m2 (5 sào) trên tổng diện tích được giao là 3.330m2. Tuy nhiên, trong sổ tổng hợp diện tích ruộng canh tác do ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng thôn Tảo Dương nắm giữ lại ghi diện tích bị tạm giữ của gia đình bà Hải là 2.520m2 (7 sào). Trước sự "vênh" này, ông Vinh trả lời: "Tôi làm Trưởng thôn từ tháng 8-2011 và từ đó đến nay không tạm giữ ruộng của bất kỳ ai; số liệu ghi trong sổ là do người tiền nhiệm bàn giao lại, tôi không rõ nguyên nhân". Tương tự, hộ ông Nguyễn Ngọc Bách cũng bị thiếu 1 sào so với diện tích HTX tạm giữ. Vậy, lượng sản phẩm thu từ việc đấu thầu diện tích HTX không tạm giữ đó được xử lý thế nào và có bao nhiêu hộ xã viên trong số 186 hộ thiếu nợ không được nhận đủ ruộng như bà Hải, ông Bách và trách nhiệm của những người liên quan? Điều băn khoăn nữa là, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 64 về giao ruộng lâu dài cho xã viên, tại Điều 6 quy định đối tượng giao đất nông nghiệp là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương. Để phù hợp với nghị định, UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định 366-QĐ/UB ngày 5-9-1994, sửa đổi, bổ sung một số điểm của Quyết định 250, tại Điều 1 ghi: "Một số xã chưa giao ruộng cho các nông hộ thì làm đúng theo Nghị định 64 của Chính phủ". Vậy, những đối tượng nợ sau thời điểm năm 1992 thì việc tạm giữ ruộng của HTX nơi đây đã đúng với quy định của Nghị định 64?

Để làm rõ tính pháp lý trong việc tạm giữ ruộng ở xã Hồng Dương, Báo Hànộimới đã đặt lịch làm việc với Sở TN-MT từ cuối tháng 5-2012, song đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Việc tạm giữ ruộng nêu trên không phải do xã và HTX Hồng Dương "sáng tạo" mà là sự vận dụng theo hướng dẫn của các cấp thẩm quyền. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại trên để quá lâu và không nhận được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan chức năng nên địa phương vẫn duy trì, áp dụng quy định cũ. Thông báo Kết luận 07 của UBND huyện Thanh Oai đã đưa ra hướng xử lý những kiến nghị của xã viên khá hợp lý, nhưng mới chỉ làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến 7 hộ có đơn, trong khi đó toàn xã còn 179 hộ thiếu nợ. Để minh bạch hóa việc tạm giữ ruộng, lấy sản phẩm phần tăng trừ vào số nợ của các hộ xã viên trên địa bàn toàn xã, đề nghị UBND huyện Thanh Oai thanh, kiểm tra và công khai diện tích ruộng các hộ bị tạm giữ trong suốt 20 năm qua. Các sở, ngành chức năng của TP cũng cần khẩn trương vào cuộc để thẩm định, rà soát, xem xét tính hợp pháp của những văn bản cho phép tạm giữ ruộng theo từng thời điểm, từ đó hướng dẫn địa phương cách thức thu hồi nợ đúng quy định, để vừa bảo toàn vốn cho HTX, vừa giúp mô hình HTX phát triển tốt hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xã viên đã được nhận lại ruộng, nhưng…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.