(HNM) - Đi lòng vòng, qua các cung đường đã được bê tông uốn lượn trên khúc đê tả ngạn sông Hồng, chúng tôi đến một ngôi làng cổ có cái tên nghe là lạ: Xa Mạc (thuộc xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội).
Mặc dù cuốn theo kinh tế thị trường, người dân Xa Mạc cũng bung ra, đi khắp nơi làm ăn kinh tế nhưng nơi đây vẫn giữ được cái hồn của một làng quê Bắc bộ cổ kính với cây đa, bến nước, sân đình.
Khang trang làng quê Xa Mạc. |
1. Nói như lãnh đạo xã Liên Mạc nếu như dân Bồng Mạc, Yên Mạc tần tảo với đủ các nghề từ xay xát, chăn nuôi… thì người dân thôn Xa Mạc lại mạnh dạn làm ăn với nghề xây dựng, và thu gom phế liệu, hàn xì từ Bắc tới Nam. Sau vụ nông nhàn, như đã thành phong trào, hầu hết thanh niên trong thôn đều "Nam tiến" làm ăn. Nhiều vợ chồng trẻ đi cả đôi, để lại con cái cho ông bà trông nom. Nhờ chịu khó làm ăn nên đời sống người dân trong làng ngày càng ổn định, những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày một nhiều. Bí thư chi bộ thôn Xa Mạc Bùi Văn Lý cho rằng, cái được lớn nhất ở đây không hẳn là đời sống kinh tế khá giả mà là lợi ích kép: thanh niên có việc làm, chí thú làm ăn không mắc vào nghiện ngập, tệ nạn xã hội. Toàn thôn số hộ giàu, khá chiếm tới 80%.
Ông Đỗ Quang Hướng trưởng thôn cho biết, Xa Mạc là thôn lớn của xã với trên 1.000 hộ dân thì có tới 60%-70% lao động đi làm ăn xa. Có điều, người dân Xa Mạc không đi "biệt tăm" cả năm mới về một lần mà thường xuyên đi lại. Tháng nào họ cũng về quê vừa là trông nom nhà cửa, con cái vừa có điều kiện gắn bó với quê hương, làng xóm. Mùa vụ, người Xa Mạc không để ruộng đồng đói lao động mà vẫn giữ được nhịp điệu sản xuất đúng khung thời vụ như nhiều nơi khác. Tôi hỏi trưởng thôn Đỗ Quang Hướng: "Chắc dân Xa Mạc ra ngoài làm ăn phát đạt hết nên mới đi đi, về về bằng máy bay như đi chợ như thế?". Ông cắt nghĩa: "Ở đây, lớp trẻ quan niệm: nếu làm được 10-12 triệu đồng/tháng thì cũng sẵn sàng bỏ vài triệu đồng đi máy bay về quê, không phải để cho "oai" mà đơn giản là vì ai cũng có nhà cửa, con cái, cha mẹ già, công việc làng xóm, nội tộc, nếu cứ đi biền biệt, tiền tiết kiệm được nhiều hơn nhưng đời sống gia đình, họ mạc sẽ bị chểnh mảng, rệu rã. Và với họ như thế là mất nhiều hơn được. Người Xa Mạc làm ăn tận TP Hồ Chí Minh nhưng cứ đến mùa vụ là vợ chồng, con cái lại cắt cử nhau về xem ruộng đồng, vườn tược, nhà cửa. Ai đi lâu cũng chỉ hai đến ba tháng là về thăm nhà cho yên tâm. Đã thành nếp như thế nên dân trong làng đi làm ăn xa, đều chọn phương tiện đi lại là máy bay.
2. Ông Nguyễn Văn Nhuần xóm 4, thôn Xa Mạc có 4 người con đều đã trưởng thành, các con ông dẫu đi làm ăn xa vẫn thường xuyên về thăm nhà. Ông bảo, giờ ở tuổi ông thèm có được ngôi nhà 5 gian hai chái rộng rãi để con cái sống quây quần bên nhau nhưng nếp sống hiện đại, giờ không chỉ thành thị mới đất chật người đông, mà nông thôn cũng chật chội không kém. Nếu một gia đình ở nông thôn, 2-3 thế hệ chung sống phải có ít nhất 360m2 mới gọi là tạm ổn nhưng giờ đông con, nhiều gia đình đã phải cắt nhỏ mảnh đất của cha ông chia cho mỗi người con 50-70m2 xây nhà ống như ở phố. Ông Nhuần chỉ mong "người dân Xa Mạc đi làm ăn ngày một giàu có để có thêm những ngôi nhà 5 gian hai chái thật đẹp, để cho không gian làng quê thân thiện như thuở nào. Được biết thôn Xa Mạc có tới 32 dòng họ lớn nhỏ, trong đó có 10 dòng họ chính, nhưng đời sống văn hóa - xã hội, nếp sống đặc trưng của văn hóa Bắc bộ vẫn được những người già ở đây gìn giữ và răn dạy con cháu.
3. Thôn Xa Mạc còn được nhiều người biết đến với các làn điệu chèo cổ nổi tiếng. Nếu như ở một số làng quê khác không ít người lo lắng cho số phận làn điệu hát chèo sẽ trôi dạt hay biến tướng, làm mất đi cái chân chất thôn quê ẩn hiện trong những câu hát du dương thì những người nông dân ở đây luôn gìn giữ bảo tồn, để chèo của làng vẫn tươi rói đến ngày nay. Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược - đội trưởng đội văn hóa thôn Xa Mạc dù đã ở tuổi ngoại lục tuần nhưng vẫn còn "duyên" với chèo cổ quê hương. Ông tâm sự: "Tôi mê hát chèo từ khi tóc còn để chỏm. Lớn lên, mỗi khi nghe tiếng trống chèo ngoài đình là trong lòng đã nhộn nhịp". Tiếp xúc với người đội trưởng văn hóa thôn Nguyễn Ngọc Lược và bà con thôn Xa Mạc mới thấy người dân nơi đây rất tôn vinh làn điệu chèo cổ của quê mình. Những làn điệu chèo như lới lơ, cỏ lả, trống quân… có từ bao đời thì không ai biết nhưng đã được người dân Xa Mạc gìn giữ cho đến nay. Các cụ cao niên trong làng kể lại, ngày xưa người ta thường hát điệu Xa Mạc bên dòng sông, dưới cánh đồng để gửi gắm tâm tình cho nhau. Hiện ở Xa Mạc vẫn lưu giữ hơn 30 bài hát theo làn điệu chèo Xa Mạc cổ truyền từ thế kỷ thứ XIX cùng hàng trăm bài hát chèo, dựng hàng chục trường đoạn, ca cảnh tạo nên vở diễn. Với ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa, Xa Mạc đang từng bước vươn lên hòa chung vào bức tranh nông thôn mới đang được gấp rút xây dựng ở nhiều địa phương của Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.