(HNMO) - Hơn chục năm qua, cuộc sống người dân sống ở thôn Miễu và thôn Bò, xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) luôn khốn khổ vì thường xuyên bị úng ngập cục bộ mỗi khi mưa to. Không chỉ khó khăn trong việc đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa, mỗi khi úng ngập, môi trường ở hai thôn này bị ô nhiễm do nước, rác thải sinh hoạt hôi thối dềnh lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sức khỏe của nhân dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, hơn chục năm nay, tuyến đường liên thôn từ Cổng Hàng - Cổng Giếng đến Ao Sen, xã Hữu Bằng dài gần 1,5km, rộng 4-6m thường xuyên xảy ra úng ngập khi mưa to. Nguyên nhân chính được xác định là do nền đường khu vực này quá thấp, trong khi nhiều tuyến đường trong ngõ, ngách cao hơn; hệ thống cống thoát nước toàn xã chưa khớp nối...
Do là trục đường “xương sống” của xã Hữu Bằng nên tuyến đường này có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông hằng ngày rất đông. Tuy nhiên theo quan sát, nền đường có nhiều đoạn bị bong tróc bê tông, xuống cấp; nắp cống bị lún, đọng nước... Năm 2023, dù mới vào đầu mùa mưa, nhưng mỗi khi mưa kéo dài 15-20 phút trở lên, tuyến đường đã bị ngập. Điển hình là trận mưa rào kéo dài khoảng 1 tiếng vào chiều 25-5 vừa qua đã làm cho tuyến đường bị ngập sâu và phải hơn 2 tiếng sau khi tạnh mưa, nước mới rút hết. Thời điểm mưa đúng vào giờ cao điểm (17-18h) khiến việc đi lại của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Nguyễn Đình Tuệ, người dân thôn Bò cho biết: “Mỗi khi trời mưa, đường sá bị ngập sâu khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong thôn bị đảo lộn do nước tràn vào nhà. Trận mưa vào chiều 25-5 vừa qua dù không quá to nhưng do hệ thống cống thoát nước bị tê liệt, nước không thoát được nên gây ngập úng cục bộ, có chỗ sâu tới 40cm. Nhiều xe máy đang lưu thông trên đường ngập nước đã bị chết máy...”.
Còn ông Nguyễn Đình Trung, người dân thôn Miễu phàn nàn: “Hôm nào mưa to, tuyến đường Cổng Hàng chạy qua cửa nhà tôi ngập sâu khoảng 60cm, nước tràn hết vào nhà, làm đảo lộn cuộc sống. Nhà tôi ở đoạn trũng nhất nên mỗi khi trời mưa đều phải kê đồ ở tầng 1 lên cao”.
Liên quan đến phản ánh của người dân, ông Nguyễn Hữu Minh, Trưởng thôn Miễu thông tin: Thôn Miễu có 3/7 khu gồm: Cống gò, trường mầm non và sân kho thường xuyên xảy ra úng ngập cục bộ khi mưa. Thôn có tới 90% số hộ dân làm nghề mộc, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến nghề mộc, do đó, để “sống chung” với cảnh ngập úng, hầu hết các hộ dân sống ven tuyến đường đều phải tôn nền hoặc xây tường cao 60-70cm so với mặt đường để ngăn nước tràn vào nhà. Ngoài ra, nhiều hộ đã phải đi thuê nhà, xưởng sản xuất ở thôn khác để hạn chế thiệt hại do úng ngập gây ra.
Chung nỗi niềm, ông Phan Văn Toàn, Phó Trưởng thôn Bò cho hay, cách đây 4-5 năm, thôn đã được huyện đầu tư cải tạo, xây dựng hệ thống cống thoát nước thải dọc trục đường liên thôn Cổng Hàng - Cổng Giếng - Ao Sen. Tuy nhiên do nền đường quá thấp nên tình trạng úng ngập vẫn xảy ra. “Mặc dù cử tri thôn Bò đã nhiều lần kiến nghị chính quyền các cấp sớm có giải pháp khắc phục, nhưng đến nay người dân vẫn phải... chờ”, ông Toàn nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng Nguyễn Hữu Trường cho biết, tình trạng ngập úng tại một số thôn, tuyến đường liên thôn trên địa bàn đã diễn ra từ nhiều năm, đặc biệt là thôn Miễu và thôn Bò. Để hạn chế tối đa tình trạng này, xã đã giao các lực lượng chức năng phối hợp với các thôn thường xuyên tổ chức khơi thông hệ thống cống thoát nước nhưng... không hiệu quả.
Được biết, nhằm khắc phục triệt để tình trạng trên, mới đây, HĐND huyện Thạch Thất đã phê duyệt dự án cải tạo tuyến đường ở xã Hữu Bằng, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất Vương Văn Chức cho biết, hiện Ban đang thực hiện khảo sát, thiết kế, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án. Sau khi dự án được phê duyệt, cấp vốn, Ban sẽ sớm triển khai, đáp ứng mong mỏi của người dân xã Hữu Bằng.
Người dân thôn Bò và thôn Miễu mong mỏi Dự án cải tạo tuyến đường liên thôn Cổng Hàng - Cổng Giếng - Ao Sen sớm được triển khai để người dân trong thôn thoát khỏi cảnh úng ngập mỗi khi mưa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.