(HNM) - Xã hội hóa là một xu hướng và nguyên tắc quan trọng để phát triển văn hóa, giáo dục nói chung và thư viện nói riêng. Trong những năm qua, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động thư viện, để cùng lan tỏa tri thức, chung tay phát triển văn hóa đọc.
Lan tỏa tri thức
Mỗi dịp cuối tuần, Thư viện “Sách ơi mở ra” lại thu hút đông đảo học sinh trên địa bàn Hà Nội. Đến đây, các em không chỉ đọc sách mà còn tham gia nhiều hoạt động sáng tạo như rèn kỹ năng đọc sách, thảo luận, viết văn, thí nghiệm khoa học… Thư viện mở năm 2015, từ ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chỉ với 500 cuốn của tủ sách gia đình, đến nay, thư viện đã có 2 cơ sở (ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy và phường Văn Quán, quận Hà Đông) với hàng chục nghìn cuốn sách, mở cửa miễn phí cho học sinh và tổ chức được gần 100 sự kiện về văn hóa đọc.
“Thế mạnh và cũng là mục tiêu của chúng tôi khi mở thư viện này là giáo dục, hướng dẫn kỹ năng đọc sách thông minh, hiệu quả cho các em nhỏ”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh chia sẻ. Mô hình thư viện tư nhân này đã được chuyển giao cho hơn 20 trường học ở Hà Nội. Đây chỉ là điển hình trong hơn 100 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và hàng nghìn tủ sách trên cả nước được hình thành theo hướng xã hội hóa.
Từ tháng 10-2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Tập đoàn Vingroup thực hiện dự án xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức”. Dự án này hỗ trợ các thư viện phương tiện vận chuyển chuyên dụng phục vụ cộng đồng. Những chiếc xe được thiết kế hiện đại, với hơn 4.500 cuốn sách, trang bị máy tính, ti vi, máy chiếu… đã lăn bánh đến với hàng triệu bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đợt mới nhất, ngày 20-9 vừa qua, dự án đã trao tặng thêm cho 31 thư viện tỉnh, thành phố xe ô tô thư viện lưu động.
Là một trong số các thư viện địa phương được tặng xe đợt này, Giám đốc Thư viện tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Tùng cho biết: “Tôi rất toại nguyện với điều này và cho rằng, đây mới chỉ là khởi đầu. Để sử dụng hiệu quả phương tiện, đòi hỏi nhiều tâm huyết của đội ngũ cán bộ”.
Trước đó, từ năm 2011, Thư viện Hà Nội đã được Quỹ Quốc tế Singapore, Tập đoàn Keppel Land hỗ trợ xe thư viện lưu động để phục vụ học sinh. Tuy chưa được thiết kế tối ưu, nhưng xe có thể đi vào những khu vực chật hẹp, các loại địa hình, trở thành phòng đọc lưu động, đa năng. Tính đến hết năm 2018, xe đã tới hơn 100 trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, phục vụ hơn 60.000 lượt học sinh. 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 60 trường tiểu học, trung học cơ sở của 14 huyện, thị xã được “đón” chuyến xe tri thức này.
Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vũ Dương Thúy Ngà, trong những năm qua, việc đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động thư viện diễn ra dưới nhiều hình thức. Nhiều tổ chức, quỹ văn hóa trong nước và quốc tế đã hỗ trợ sách báo, giúp các thư viện phát triển phong phú vốn tài liệu. Chỉ tính riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên mỗi năm đã hỗ trợ các thư viện từ 30.000 đến 40.000 cuốn sách. Nhiều thư viện được Quỹ Force (Hà Lan) hỗ trợ sách, tài liệu cho người khiếm thị…
Thúc đẩy nhiều hình thức
Những hoạt động xã hội hóa như vậy đang tạo luồng sinh khí mới cho hoạt động thư viện nói riêng và phát triển văn hóa đọc nói chung. Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cho rằng, xã hội hóa trong phát triển văn hóa đọc hiệu quả hay không, phụ thuộc vào sự chủ động của từng địa phương, nhất là những người quản lý, điều hành hoạt động thư viện.
Theo Trưởng phòng Đọc và Bộ phận làm thẻ, Thư viện Quốc gia Việt Nam Trần Thị Phương Lan, việc xã hội hóa hoạt động thư viện không chỉ là thu hút nguồn lực cho một hoặc một vài dự án, mà phải có chiến lược lâu dài để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư thường xuyên cho hoạt động thư viện. Chính vì vậy, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã chủ động phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước, các đại sứ quán, các đoàn thể tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế, như: Ngày hội sách; trưng bày, triển lãm, sách, tư liệu quý; tổ chức tọa đàm chuyên đề với diễn giả trong và ngoài nước; triển lãm sách, ảnh “Hà Nội nghìn năm văn hiến” tại Pháp, Lào…
Nhờ đó, từ năm 2006 đến nay, đơn vị này đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để xây dựng Thư viện SK Telecom, phòng đọc “Cửa sổ Hàn Quốc năng động”, “Không gian chia sẻ S.hub”, thư viện văn hóa thiếu nhi…
Cùng chung quan điểm trên, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới cho rằng, người làm công tác thư viện cần tích cực tham gia các diễn đàn của ngành, hội thảo trong khu vực và trên thế giới, nhằm trao đổi, tiếp thu kiến thức mới trong việc phục vụ bạn đọc, đồng thời chủ động quảng bá, tạo uy tín để trở thành đơn vị được thụ hưởng dự án về tài liệu, ngân sách, trang thiết bị…
Ở khía cạnh khác, Trưởng phòng Nghiệp vụ và Phong trào cơ sở, Thư viện Hà Nội Phạm Thu Hạnh cho biết, hiện tại có rất nhiều phòng đọc sách cơ sở, thư viện tư nhân sau một thời gian mở cửa rầm rộ lại không phục vụ bạn đọc thường xuyên. Vì vậy, các cấp, ngành cần tăng cường cổ vũ, hỗ trợ để hệ thống này hoạt động liên tục và mở rộng. Bên cạnh đó, các dự án hỗ trợ xe ô tô thư viện lưu động cần thường xuyên kiểm tra, tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm. Đơn vị nào hoạt động hiệu quả thì tiếp tục hỗ trợ, đơn vị nào không đạt được mục tiêu, nên rút nguồn đầu tư…
Để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đòi hỏi sự chung tay, huy động tối đa các nguồn lực bên trong và bên ngoài, đặc biệt, lĩnh vực thư viện với vai trò then chốt phải tâm huyết, chủ động hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.