Theo dõi Báo Hànộimới trên

WHO kêu gọi người dân không hút thuốc lá để bảo vệ môi trường và sức khỏe

Thu Trang| 28/05/2022 13:13

(HNMO) - Sáng 28-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5) với chủ đề “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta”.

Các đại biểu tham dự lễ mít tinh và diễu hành bằng xe đạp nhằm hưởng ứng chiến dịch truyền thông vì môi trường không khói thuốc lá.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. 

Hút thuốc lá cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do Covid-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. 

Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.

Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, WHO lựa chọn chủ đề “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” để kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường; đồng thời kêu gọi người dân không hút thuốc lá để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe.

Còn tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 9 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi của công chức, viên chức, người lao động và người dân về việc hút thuốc. Hiện nay, hiện tượng hút thuốc trong phòng họp, phòng làm việc… đã giảm mạnh. Ngoài ra, không còn hiện tượng mời, ép buộc sử dụng thuốc lá; giảm việc tặng quà, biếu, mời thuốc lá trong các dịp lễ, Tết, đám cưới, đám hiếu...

Kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2020 cũng cho thấy, so với năm 2015, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể như: Tại nơi làm việc giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9% xuống 56%. Tỷ lệ người bệnh được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020. Số bệnh nhân cai nghiện thành công từ năm 2017 đến năm 2020 là 1.111 người.

Phát biểu tại lễ mít tinh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá gửi thông điệp đến các cơ quan, tổ chức, đoàn thể tiếp tục tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá.

Cùng với đó, kêu gọi những người hút thuốc bỏ thuốc lá; không hút thuốc, cai thuốc lá sớm để giảm bớt gánh nặng bệnh không lây nhiễm mà hiện vẫn chiếm tới hơn 70% gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam, góp phần xây dựng môi trường trong lành cho mỗi người, cho từng gia đình và toàn xã hội.

Kết thúc buổi lễ mít tinh, các đại biểu đã tham gia diễu hành bằng xe đạp nhằm hưởng ứng chiến dịch truyền thông vì môi trường không khói thuốc lá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WHO kêu gọi người dân không hút thuốc lá để bảo vệ môi trường và sức khỏe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.