Đây là khuyến nghị được nêu rõ trong báo cáo “Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố ngày 18-12.
Theo báo cáo, bất chấp sự giảm thiểu và có thể chỉ mang tính tạm thời trong xuất khẩu, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung vẫn ổn định trong tháng vừa qua, một phần nhờ nhu cầu bên ngoài phục hồi.
Cụ thể, xuất khẩu tăng 6,7%, trong khi nhập khẩu tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, WB đã chỉ ra, xuất khẩu và nhập khẩu lũy kế trong 11 tháng năm 2023 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, giảm tương ứng 5,9% và 10,7%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (PMI) tăng 2,7% (có điều chỉnh theo mùa vụ) trong tháng 11, do tăng sản lượng một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dệt may (tăng 4,4%) và thiết bị điện (tăng 7,9%). Tuy nhiên, triển vọng vẫn khá ảm đạm do PMI của Việt Nam vẫn nằm trong vùng suy giảm trong tháng 11.
Báo cáo lần này cũng cho biết một số thông tin khác, gồm lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn ổn định ở mức 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với 3,6% trong tháng 10, và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5%.
Doanh số bán lẻ tháng 11 gần như không thay đổi so với tháng 10. Trong khi đó, tăng trưởng doanh số bán lẻ trung bình đạt khoảng 7,5% trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, tức thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.
Tăng trưởng tín dụng tăng nhẹ trong tháng 11, với mức tăng 10,3% (so cùng kỳ năm ngoái), cao hơn mức tăng 9,3% trong tháng 10 (so với cùng kỳ năm ngoái), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra (14,5%) và mức trước đại dịch (12-15%).
Theo WB, tình hình này là do niềm tin của nhà đầu tư và đầu tư tư nhân còn yếu, một phần liên quan đến sự không chắc chắn về sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài cũng như sự trì trệ của thị trường bất động sản.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn đối mặt khó khăn, WB đề xuất, các cơ quan chức năng Việt Nam xem xét gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ kinh tế (2022-2023) sang năm tới để cho phép các khoản đầu tư theo kế hoạch được thực hiện đầy đủ, hỗ trợ tổng cầu.
Quan trọng hơn, WB khuyến nghị cần nỗ lực khôi phục niềm tin và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, bởi đây là chìa khóa hỗ trợ ổn định kinh tế trong ngắn hạn và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
WB cũng cho rằng cần tiếp tục cảnh giác với những điểm yếu của khu vực tài chính trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.