(HNMO) - Theo báo cáo tổng kết dự án phát triển năng lượng tái tạo (REDP) giai đoạn 2009 – 2018 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, đến tháng 6-2018, WB và SECO đã tài trợ cho 19 dự án năng lượng tái tạo ( NLTT), với tổng công suất lắp đặt 320,4 MW.
Dự án REDP có tổng kinh phí viện trợ ODA tương đương 204,272 triệu USD, trong đó nguồn vốn tài trợ không hoàn lại là 2,272 triệu USD. Mục tiêu của Dự án REDP là nhằm phát triển các nguồn NLTT cấp lên lưới điện quốc gia trên cơ sở thương mại, bảo đảm phát triển bền vững. Dự án REDP đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong công tác đầu tư xây dựng các dự án NLTT; Hỗ trợ các Cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện khung chính sách pháp lý về năng lượng tái tạo, tập trung giải quyết một số rào cản đối với huy động nguồn vốn thương mại trong phát triển NLTT; Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực các trường đại học chuyên ngành, cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phát triển NLTT. Dự án REDP đã được triển khai đúng tiến độ và hoạt động hiệu quả, mang lại các kết quả tích cực đối với việc phát triển kinh tế, môi trường và xã hội, đặc biệt đối với vùng trực tiếp hưởng lợi từ dự án.
Kết quả, dự án REDP đã tài trợ cho 19 dự án NLTT với tổng công suất lắp đặt 320,4 MW. Tổng vốn đầu tư cho 19 dự án 436 triệu USD, trong đó nguồn vốn trong nước là 234 triệu USD. Các tiểu dự án cơ bản tuân thủ các yều cầu về kỹ thuật, và các chính sách an toàn của dự án. Các dự án hoàn thành đều có khả năng trả nợ và đáp ứng kỳ vọng của chủ đầu tư; đã tổ chức các khóa đào tạo về đấu thầu, quản lý dự án, tài chính, đánh giá tác động môi trường - xã hội cho các chủ đầu tư và ngân hàng thương mại; xây dựng chiến lược phát triển NLTT Việt Nam đến 2030 tầm nhìn đế 2050 ban hành tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25-11-2015; hỗ trợ kỹ thuật giúp Bộ Công Thương rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quyết định số 428/QĐ-TTg); nghiên cứu kinh tế kỹ thuật đánh giá áp dụng biểu giá chi phí tránh được và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các nhà máy thủy điện nhỏ; nghiên cứu ban hành hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió; xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ không gian số về tiềm năng năng lượng gió, sinh khối và thủy điện trên toàn quốc; xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ không gian số quản lý các dự án năng lượng tái tạo trong quy hoạch, đã cấp phép, đang xây dựng và nối lưới trên toàn quốc; xây dựng sổ tay hướng dẫn môi trường và xã hội đối với các thủy điện nhỏ; xây dựng 6 chương trình đào tạo chuyên ngành; nâng cấp 3 bộ thiết bị phòng thí nghiệm và thực hành cho Đại Học Bách khoa Hà Nội; nâng cấp 2 phòng thí nghiệm; xuất bản 3 bộ sách giáo trình về phát triển thủy điện nhỏ và điện gió; đào tạo hơn 100 giáo viên và học sinh tại EPU và nhà máy thủy điện cho Đại học Thủy lợi; xây dựng 5 phòng thí nghiệm NLTT; phát triển 8 tài liệu đào tạo về thủy điện và điện gió; tổ chức 3 khóa đào tạo chuyên ngành cho Đại học Điện lực.
Tổng lượng giảm phát thải carbon của 19 dự án NLTT đến 31-12-2020 là 3,5 triệu tCO2, trong đó, lượng giảm phát thải carbon của các tiểu dự án tham gia chương trình tài chính carbon là 2,1 triệu tCO2, góp phần giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đến 6-2018, Chương trình đã xác nhận lượng giảm phát thải 427.239 CERs, tương đương 1.674.780 EUR từ dự án REDP. Dự kiến đến 31-12-2020, tổng nguồn thu từ chương trình 8,4 triệu EUR; tín dụng từ chương trình hỗ trợ một phần kinh phí vận hành và bảo dưỡng, tăng doanh thu, qua đó tăng tính khả thi và tính hấp dẫn của các tiểu dự án; Chương trình tăng cường năng lực cho các bên liên quan trong quá trình phát triển và thực hiện dự án theo cơ chế phát triển sạch CDM ở Việt Nam cũng như các vấn đề liên quan tới tài chính carbon.
Theo Cục Điện lực và NLTT, với quy mô kinh tế hiện nay và tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng trên dưới 7%/năm, nhu cầu năng lượng nói chung và điện nói riêng của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, Việt Nam từ một nước xuất khẩu tịnh năng lượng đã trở thành một nước nhập khẩu tịnh về năng lượng và ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu các nguồn than và khí hóa lỏng từ nước ngoài. Trong bối cảnh này, việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là xu thế tất yếu nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào than nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp và bảo vệ môi trường. Dự án REDP do WB và SECO tài trợ có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng, hỗ trợ có tính toàn diện cho Chính phủ Việt Nam về chính sách phát triển NLTT và thu hút các nguồn lực xã hội trong hoạt động đầu tư phát triển năng lượng tại Việt Nam.
Dự án REDP do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện với sự tài trợ của WB và SECO nhằm tăng cường cung cấp điện năng cho lưới điện quốc gia từ nguồn NLTT trên cơ sở thương mại, bảo đảm phát triển bền vững về môi trường và xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.