(HNMO) - Vượt qua những khó khăn chưa có tiền lệ, tăng trưởng kinh tế bình quân của Thủ đô giai đoạn 2021-2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước. Hà Nội cũng tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu về các tiêu chí: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn và số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế… Đây là những số liệu được công bố tại Hội nghị lần thứ mười ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII diễn ra sáng 14-6.
Kinh tế phục hồi, các cân đối lớn được bảo đảm
Báo cáo do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trình bày tại hội nghị cho thấy, thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn nhiều hơn dự báo. Dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, kinh tế - xã hội đã dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 và đã đạt được những kết quả tích cực.
Nổi bật, tăng trưởng kinh tế bình quân của Thủ đô giai đoạn 2021-2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước. Bình quân 2 năm 2021-2022, GRDP tăng 5,86%, cao hơn 1,13 lần mức tăng của cả nước (5,25%). GRDP/người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng/người (khoảng 5.950 USD), tăng 18,1 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng 7,07%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2022 khoảng 656.102 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao…
Thành phố cũng tập trung xây dựng hoàn thiện nhiều nội dung lớn, mang tính chiến lược quan trọng. Các công trình về giao thông, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích lịch sử được đẩy mạnh triển khai. Nhiều công trình lớn, quan trọng của Thủ đô đã hoàn thành hoặc khởi công, như: Vận hành Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; đường Vành đai 2 trên cao. Trong năm 2023, dự kiến hoàn thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; khởi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…
Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển, thành phố cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%, trong đó, lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%. Lĩnh vực phát triển văn hóa - xã hội cũng luôn được thành phố quan tâm. Nổi bật, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”; chuẩn bị chu đáo các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và con người góp phần tổ chức thành công SEA Games 31 và đóng góp quan trọng giúp thể thao Việt Nam vững vàng ngôi đầu tại SEA Games 32.
Thành phố cũng tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục giữ vững là lá cờ đầu toàn quốc về các tiêu chí: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thủ đô cũng tăng từ 70,25% đầu nhiệm kỳ lên 72,23%. Chỉ số đào tạo lao động của Hà Nội năm 2022 xếp thứ 3 toàn quốc.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số, lĩnh vực an sinh xã hội của thành phố cũng được bảo đảm. Phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 7,74 triệu người, đạt tỷ lệ 92,9%.
Lĩnh vực phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới cũng tiếp tục đẩy mạnh; toàn bộ 382 xã và 15/18 huyện, thị xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 14 xã và 3 huyện so với đầu nhiệm kỳ); 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 82 xã nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu so với đầu nhiệm kỳ).
Công tác quy hoạch được quan tâm, phát triển hạ tầng kỹ thuật được đẩy mạnh với việc phê duyệt 4 quy hoạch: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố; 2 quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ… Thành phố cũng đã bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Hoạt động đối ngoại của thành phố tiếp tục được mở rộng, uy tín, vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao…
8 giải pháp hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ
Theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, có nhiều yếu tố tạo nên những thành công trong nửa nhiệm kỳ, trong đó đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và sự đồng hành của toàn thể nhân dân Thủ đô.
Từ kết thực tiễn những kết quả đã đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ, thành phố đặt ra mục tiêu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII ở mức cao nhất.
Trong đó, sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược: Tập trung hoàn thiện thế chế, chính sách phát triển Thủ đô; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng và coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng với việc giữ ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô theo Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” của Thành ủy.
Thành phố cũng sẽ tập trung thực hiện kế hoạch về chuyển đổi số, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan, đơn vị, hướng tới chính quyền số. Đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính quyền số, góp phần xây dựng và hoàn thành 3 trụ cột phát triển: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Song hành với việc tiếp tục phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, thành phố cũng sẽ tiếp tục thực hiện tốt các dự án hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh, thành phố trong nước và hợp tác quốc tế, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.