Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được đánh giá là hội nghị lịch sử và quyết định những vấn đề lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước.
Những quyết nghị hệ trọng tại hội nghị là kim chỉ nam, là những vấn đề căn cốt cho tương lai phát triển đất nước. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cùng cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước cần khẩn trương chung sức, đồng lòng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, thể hiện trách nhiệm lớn lao với vận mệnh đất nước trong kỷ nguyên mới.
1. Nghị quyết số 60-NQ/TƯ ngày 12-4-2025 Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua 3 nhóm quyết sách có ý nghĩa lịch sử đối với quá trình phát triển đất nước trong nhiều năm tới.
Cụ thể, nhóm quyết sách thứ nhất là Ban Chấp hành Trung ương cơ bản thông qua các công việc chuẩn bị cho Đại hội XIV (nội dung dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV; dự thảo phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV) và phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Nhóm quyết sách thứ hai là Trung ương thống nhất cao về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Nhóm quyết sách thứ ba là Trung ương thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định quan trọng của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đó là sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; sửa đổi, bổ sung quy định về thi hành Điều lệ Đảng và quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Ba nhóm quyết sách có tính chất lịch sử đối với quá trình phát triển của đất nước đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và sẽ được hoàn thành trước thềm Đại hội XIV của Đảng - dấu mốc đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh và thịnh vượng.
Tính “lịch sử” của Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được đánh giá bởi những quyết sách chiến lược chưa từng có. Trong đó, phải kể đến chủ trương kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sáp nhập cấp tỉnh còn 34 tỉnh, thành phố và sáp nhập cấp xã còn khoảng 60-70% trong tổng số hơn 10.000 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Với ý nghĩa như vậy, ngay sau khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được ban hành, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung quan trọng được nêu ra tại Nghị quyết, với hơn 1,5 triệu cán bộ, đảng viên tham dự và lần đầu tiên hội nghị được truyền hình, phát thanh trực tiếp để nhân dân cả nước theo dõi.
Nội dung Nghị quyết lịch sử đã lan tỏa và sẽ từng bước thấm sâu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Giờ đây, không chỉ toàn bộ hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà toàn thể nhân dân trong cả nước đang chung sức, đồng lòng đưa các nội dung được quyết nghị tại Hội nghị Trung ương lần thứ mười một đi vào cuộc sống.
2. Công việc phía trước rất bộn bề và khẩn trương. Nhưng một điều chúng ta cần ghi nhớ rằng, quá trình thực thi nhiệm vụ không được phép cầu toàn nhưng cũng không nóng vội và tuyệt đối không được để gián đoạn công việc thường ngày.
Hiểu sâu sắc về tầm quan trọng cũng như tính cấp bách của những quyết sách đưa đất nước đến thịnh vượng được Trung ương Đảng vừa thông qua, Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ mười một khóa XIII đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu thực hiện 7 công việc cần làm ngay.
Đó là: Chủ động, tích cực làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng trong cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức của mình; triển khai quyết liệt các nhiệm vụ thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm giữ chân người tài; bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc; tổ chức đại hội cấp xã, cấp tỉnh ngay sau khi sắp xếp đơn vị hành chính; bảo đảm lộ trình và tiến độ, quy trình về sửa đổi hành lang pháp lý, về thời điểm kết thúc hoạt động của cấp huyện, sáp nhập xã, sắp xếp, sáp nhập tỉnh; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm lớn trong năm 2025.
Quyết sách lịch sử với đất nước được Trung ương quyết nghị và những công việc cần làm ngay được người đứng đầu Đảng ta chỉ rõ, đặt ra những yêu cầu rất cao trong quá trình thực thi nhiệm vụ đối với từng cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi cán bộ, đảng viên.
Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, trên cương vị công tác của mình cần tranh thủ từng giờ, từng phút, bắt tay vào công việc trên tinh thần khẩn trương, có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết việc nào dứt điểm việc đó và đạt hiệu suất cao. Đúng như yêu cầu và kỳ vọng của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Các đồng chí từ Trung ương đến cơ sở phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra, chuẩn bị nền tảng vững chắc tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đưa đất nước vững vàng tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc Việt Nam”.
3. Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã, đang thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Trong đó, thực thi nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp xã, Hà Nội đang triển khai trên nguyên tắc bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với thực tiễn Thủ đô, đem lại hiệu quả cao nhất.
Đặc biệt, thành phố bảo đảm chính quyền cấp cơ sở mới phải gần dân, bám sát dân và phục vụ người dân được tốt nhất; phát huy tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, thành phố cũng bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục của các cơ quan, tổ chức, không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến hoạt động của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, quá trình thực thi các quyết sách lịch sử của Trung ương trên địa bàn, thành phố không để ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Trong đó, thành phố luôn đặt trọng tâm ưu tiên giữ vững kỷ cương, kỷ luật, không để “khoảng trống” trong quá trình vận hành của bộ máy, phục vụ doanh nghiệp, người dân, phấn đấu đạt mức tăng trưởng hơn 8% trong năm nay; đồng thời bảo đảm hiệu quả trong quản lý đô thị, đất đai, triển khai các dự án trọng điểm, cải cách thủ tục hành chính...
Tin tưởng rằng, tinh thần gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao là “chìa khóa” để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII trên địa bàn Thủ đô.
Đứng trước những quyết sách lịch sử của đất nước và Thủ đô, Đảng bộ thành phố Hà Nội thống nhất cao về nhận thức, tạo sự đồng thuận trên cơ sở nhận thức đúng đắn, toàn diện, sâu sắc về quan điểm của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về những nhiệm vụ quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Đặc biệt, Hà Nội luôn xác định trách nhiệm gương mẫu, đi đầu và đóng góp ngày càng quan trọng hơn vào sự nghiệp chung của đất nước. Đúng như Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã nhấn mạnh: “Với vai trò là Thủ đô, trong lịch sử 95 năm của Đảng bộ thành phố Hà Nội, trong tất cả các công việc Hà Nội đều gương mẫu đi đầu. Hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn, thời điểm đòi hỏi bản lĩnh, trách nhiệm và phát huy niềm tự hào của Đảng bộ thành phố Hà Nội”.
Trong thời điểm lịch sử với những quyết sách lịch sử để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần thống nhất về nhận thức, tư tưởng, vượt lên chính mình để cùng góp sức phát triển đất nước giàu mạnh, thịnh vượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.