(HNM) - An Bang, đảo nằm ở phía cực Nam quần đảo Trường Sa. Nhiều cán bộ của đoàn công tác Vùng D Hải quân cho biết, ra vào đảo này rất khó do đặc trưng địa hình, sóng biển. Với sự khắc nghiệt đó, An Bang được mệnh danh là
Các chiến sỹ kéo xuồng chuyển tải vào bờ.
Sau 4 ngày ở Trường Sa lớn, "ăn như tằm ăn rỗi", chúng tôi ra tàu Trường Sa 20 để tiếp tục hành trình. Theo kế hoạch, điểm đến tiếp theo là đảo Đá Tây, nhưng Đoàn trưởng Nguyễn Viết Thuân bất ngờ thay đổi lịch trình để tranh thủ thời tiết thuận lợi, tiến thẳng tới đảo An Bang, đảo xa nhất của chuyến đi. Nghe anh em thuyền viên, cán bộ hải quân nói, vào An Bang khó lắm, bởi sóng to, nước sâu. Không ít lần, xuồng chuyển tải bị sóng "ném" thẳng lên bãi cát. Để trấn an cánh nhà báo chúng tôi, các cán bộ đoàn công tác Vùng D Hải quân đi trên xuồng đầu tiên. Quả nhiên sóng thật dữ dằn, dù áp thấp nhiệt đới vừa đi qua, biển đã yên. Mới bước xuống, xuồng đã chao đảo, rung lắc mạnh. Không ít đồng nghiệp "gục" ngay trên xuồng chuyển tải. Vào gần đảo, sóng chỉ chực dìm chiếc xuồng nặng 7 tấn xuống biển. Sóng xô cả vào xuồng, ai cũng ướt. Khi chiếc xuồng kéo vừa thả dây, một chiến sỹ cao to, chắc khỏe lao xuống biển, túm lấy dây từ xuồng chuyển tải quăng xuống, đưa vào bờ để 20 chiến sỹ đợi sẵn hò dô, cật lực kéo xuồng lên bãi cát. Một cuộc đánh vật thực sự giữa con người và biển cả.
Hoảng hốt pha chút sợ hãi. Nhưng vào bờ, cánh phóng viên lại lập tức tác nghiệp. Ấn tượng với những pha "cảm tử" của chiến sỹ nhao xuống biển bắt dây xuồng chuyển tải, tôi lân la ra làm quen. Thật bất ngờ. Lại một đồng hương Hà Nội. Anh tên Vũ Văn Thanh, Đại úy, trợ lý phòng không, người Phú Xuyên. Khỏe mạnh, nhanh nhẹn, bơi tốt nên Thanh đảm nhận nhiệm vụ ra "bắt xuồng" dù mới chỉ lần đầu ra Trường Sa. Trước đây, Thanh công tác ở Bạch Long Vỹ, thuộc Vùng A Hải quân. Thiếu tá Nguyễn Xuân Triệu, Phó Chỉ huy trưởng đảo, người Lương Tài, Bắc Ninh cho biết, An Bang như là "lò vôi" của Trường Sa. Chính vì sự nguy hiểm đó, nên đảo phải chọn người khỏe mạnh, bơi lội tốt ra "bắt xuồng". An Bang vừa bị áp thấp nhiệt đới hoành hành phá hoại, nhưng thật vui, các luống rau vẫn xanh màu. Đàn ngan, vịt vẫn tung tăng trên sân đảo. Phó Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, kiêm Trưởng đoàn công tác Nguyễn Viết Thuân đánh giá rất cao những thành tích phát triển chăn nuôi trên đảo An Bang trong những năm gần đây.
Tất cả công việc trên đảo được thực hiện rất nhanh để khi biển yên có thể trở lại tàu ngay trong ngày. Đoàn trưởng Nguyễn Viết Thuân tâm sự với phóng viên Báo Hànộimới, đi biển không thể nói trước điều gì, nhưng hoàn thành nhiệm vụ ở An Bang coi như đã cơ bản xong việc. Tuy nhiên, một lần nữa, kế hoạch có thay đổi khi sóng biển lớn không bảo đảm an toàn. Hôm sau, 4h30 sáng kẻng báo thức vang lên toàn đảo. Tất cả bật dậy như những người lính thực thụ. 5h ăn sáng. 5h30 ra xuồng chuyển tải tới tàu Trường Sa 20 đang đậu cách đó chừng 1km để tiếp tục hành trình. Vào đảo khó, quay ra cũng không dễ. Cánh phóng viên xắn tay cùng lính đảo hò dô đẩy xuồng bị "chôn" dưới cát cả đêm xuống mép nước. Sóng từ 2 phía xô vào nhau tạo cảm giác thật đáng sợ. Đoàn trưởng Nguyễn Viết Thuân phải trực tiếp đi cùng với phóng viên để động viên tinh thần. Ông la hét chỉ đạo tàu kéo quăng dây sang xuồng chuyển tải. Cập mạn tàu Trường Sa 20. Sóng lớn. Với kinh nghiệm đi biển nhiều năm, Đoàn trưởng nhanh nhẹn trèo lên tàu trước để làm mẫu. Dẫu vậy, việc lên tàu với chúng tôi vẫn không hề đơn giản. Sóng xô mạnh xuồng chuyển tải vào mạn tàu, mọi người dúi dụi. Sự sợ hãi hiện rõ trên một vài khuôn mặt. Nhưng rồi, tất cả lên tàu an toàn. Nụ cười sung sướng vang khắp boong tàu như vừa trải qua một trò chơi cảm giác cực mạnh.
Những người chiến sỹ nơi tuyến đầu đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ để giữ yên bờ cõi. Chúng tôi sẽ lại tiếp tục hành trình đến với các anh và "kìa bão tố, phong ba, đã vượt qua, vượt qua".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.