(HNM) - Xin nói ngay đây là chuyện có thật 100%. Vườn rau này rất đặc biệt bởi nó không cố định ở một tọa độ mà luôn di chuyển, bồng bềnh trên sóng nước biển Đông.
Thuyền viên Lại Văn Phát chăm sóc vườn rau trên tàu Trường Sa 20.
Việc chuyển hàng Tết ra Trường Sa năm nay do các tàu vận tải của Hải quân đảm nhận. Chúng tôi đi nhánh Nam trên tàu Trường Sa 20, thuộc Hải đội 411, Vùng D Hải quân. Vốn tò mò, ham khám phá nên ngay khi rời cảng, tôi đã lọ mọ đi tìm những điều mới mẻ trên tàu. Khi lên ca bin lái tàu, mở cửa ra phía sau, tôi thực sự ngỡ ngàng khi phát hiện ra một vườn rau nhỏ xanh mỡ màng. Như để giải thích cho sự ngạc nhiên của khách, Đại úy Nguyễn Quang Huy, Thuyền trưởng Trường Sa 20 cho biết, việc trồng rau tăng gia trên tàu là chủ trương hết sức đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực trong việc chăm lo đời sống cán bộ chiến sỹ của tàu. Bên cạnh việc vận chuyển hàng hóa phục vụ đồng bào, chiến sỹ nơi đảo xa, các tàu vận tải còn có nhiệm vụ trực trên biển để bảo vệ lãnh hải, ngư dân… Mỗi chuyến trực có thể kéo dài vài tháng ròng rã. Việc trồng rau, chăn nuôi trên tàu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để bảo đảm đời sống, sức khỏe cho thuyền viên. Theo Đại úy Huy, mọi chỗ trống trên tàu đều có thể thành vườn rau, miễn không ảnh hưởng tới nhiệm vụ của tàu. Lần công tác này, do phải vận chuyển số lượng hàng hóa lớn nên một số vườn rau buộc phải loại bỏ.
Để trồng được rau đương nhiên tàu phải bố trí những diện tích hợp lý. Các thuyền viên trên tàu đi lấy đất, mua xác dừa trộn vào để bảo đảm độ tơi xốp, đưa lên tàu khoanh vùng, đánh luống trồng rau. Rau tăng gia tại chỗ không chỉ bảo đảm nguồn thực phẩm tươi sống cho cán bộ, chiến sỹ mà còn giúp tiết kiệm từ 500 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng tiền rau/thuyền viên/năm.
Tuy nhiên, do đặc thù công việc, thường xuyên phải di chuyển nên việc trồng rau trên tàu gặp rất nhiều khó khăn. Trồng rau trên đảo chìm, như mọi người từng nghe, đã khó, trồng rau trên tàu còn khó hơn. Lại Văn Phát, nhân viên ra đa trên tàu Trường Sa 20 được giao nhiệm vụ quản lý, chăm sóc vườn rau. Anh cho biết, canh tác ở đâu cũng phải tuân thủ nguyên tắc "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Nhưng trồng rau trên đảo chìm và đặc biệt là trên tàu đòi hỏi nhiều công sức hơn cho việc chăm sóc, che chắn nắng nóng, mưa gió khắc nghiệt trên biển. Rau vốn rất kỵ với gió, mưa, nếu không che chắn đúng chỗ, kịp thời sẽ bị dập, táp lá, bao công sức bỏ ra sẽ… đổ xuống biển. Trên đảo chìm, vườn rau nằm cố định nên việc che gió mưa có phần thuận lợi hơn. Còn trên tàu, do thường xuyên di chuyển, đổi hướng nên việc che chắn phải lựa theo hướng tàu, hướng gió. Đó là chưa kể tới việc phải "chống" những đợt sóng lớn đánh tràn lên tàu, nước mặn làm hỏng rau. Những giống quen thuộc trồng trên tàu cũng như trên đảo chìm, gồm rau mầm, rau muống, rau cải… và đặc biệt là rau bầu đất. Bầu đất là loại rau có sức sống mãnh liệt, đặc biệt phù hợp với điều kiện di động trên biển. Sau 30 ngày trồng, rau bầu đất đã cho thu hoạch lứa đầu và lứa sau chỉ cách đợt trước 10 ngày. Do lượng nước ngọt mang theo chỉ có hạn nên mọi người trên tàu hết sức tiết kiệm nước để tưới rau 2 lần/ngày. Nước vo gạo, rửa bát, rửa mặt, thậm chí cả nước giặt quần áo lần cuối cũng được giữ lại để tưới rau. Chẳng phụ công người, những luống rau mơn mởn liên tục vươn mầm. Có điều lạ là các loại rau trồng trên tàu ăn rất hợp với các loại cá đánh bắt được trên biển, như cá mú, cá chép biển, cá dọc dưa… Nhờ thế dù lênh đênh xa đất liền hàng trăm kilômét, bữa ăn của thuyền viên vẫn luôn được cải thiện bởi rau xanh và cá tươi.