Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vững vàng Trường Sa (tiếp theo)

Phạm Công Đảo| 20/06/2014 06:24

(HNM) - Hôm chia tay các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn, khi nghe tiếng phát thanh viên dịu dàng:

Quá nửa chặng hành trình, chúng tôi đã đi qua các đảo nổi, đảo chìm với gần 600 hải lý. Ở đâu, chúng tôi cũng có những ấn tượng sâu sắc và tình cảm thân thương dành cho các cán bộ, chiến sĩ. Hôm chia tay các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn, khi nghe tiếng phát thanh viên dịu dàng: "Đoàn chúng ta đang tiến dần đến đảo Cô Lin", ai nấy đều trào dâng một cảm xúc nghẹn ngào.

Tôi đã được thông tin trước khi xuống tàu là hơn 60 chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, tôi cũng được biết nhiều người lính khác đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Các anh, người yên nghỉ tại nghĩa trang của đảo, người vĩnh viễn nằm lại trong muôn trùng sóng vỗ, linh hồn các anh đang phiêu du cùng những con sóng bạc đầu.

Một góc vườn rau xanh của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.


Trong lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma, mọi người bồi hồi nhớ lại về một trận chiến không cân sức nhưng trên hết là tinh thần quyết chiến quên mình bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc của các chiến sĩ hải quân Việt Nam năm 1988. Lễ tưởng niệm diễn ra trang nghiêm xúc động làm không ít người trong đoàn rơi lệ. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, Trưởng đoàn công tác không cầm nổi nước mắt. Trong trận chiến ấy có 64 chiến sĩ hy sinh, trong đó có đến 15 người con thuộc Bình Trị Thiên (nay là tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) và 9 người con quê lúa Thái Bình. Những tấm gương bất khuất đầy mưu trí như Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, cùng đồng đội chiến đấu kiên cường như chiến sĩ Lê Hữu Thảo, Phạm Xuân Trường, Nguyễn Văn Thông... như những nhân chứng lịch sử cho sự oai hùng vẫn ngày đêm miệt mài lao động góp sức mình dựng xây Tổ quốc, nêu gương sáng của những người chiến sĩ năm xưa. Còn với các chiến sĩ đã nằm xuống, máu đào các anh hóa vào lòng biển mẹ, xương cốt các anh hóa đá san hô, tên các anh đã hóa thành bản anh hùng ca. Sự hy sinh của các anh đã hóa thành mạch nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ thôi thúc các thế hệ hôm nay có trách nhiệm với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tiếp bước cha, anh

Người để lại cho tôi nhiều ấn tượng trong suốt chuyến đi là Binh nhất Nguyễn Quốc Đức, chàng trai sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội. Sau 7 năm du học trở về, Đức đã tình nguyện viết đơn nhập ngũ và ra đảo làm nhiệm vụ. Từng du học ở New Zealand và Australia 7 năm, lại sống trong gia đình làm kinh doanh có điều kiện nên từ nhỏ Đức được gia đình hết mực quan tâm. 11 tuổi, với vốn kiến thức ngoại ngữ vững chắc, cậu bé đã tự tin đặt chân ra nước ngoài du học. Vốn ưa thích du lịch nên mỗi năm cậu lại chuyển trường đến một thành phố để học. Quãng thời gian 5 năm ở New Zealand và 2 năm ở Australia mang đến cho chàng trai Hà Nội những trải nghiệm thú vị. Vừa đi học, vừa đi du lịch, Đức vẫn giữ thành tích học tập tốt, được nhà trường tặng giấy khen. Đầu năm 2013, Đức quyết định trở về nước và phụ giúp gia đình công việc kinh doanh, rồi tham gia một khóa huấn luyện "Học kỳ quân đội" ở Thái Nguyên. Vậy là cuối năm ấy, Đức viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Hôm gặp ở Trường Sa, được nghe Đức tâm sự từ suy nghĩ đến cách sống và lý tưởng, tôi cảm nhận Đức có vẻ chín chắn và từng trải hơn nhiều so với tuổi đời, nhưng trong anh vẫn giữ được những nét thư sinh, hồn nhiên.

Khó có thể kể hết những chiến sĩ yêu mến biển khơi và đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Đó là Thượng úy, Chính trị viên Chu Văn Hùng (Nhà giàn DK1/17), sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Thông tin, anh ra trường và gắn bó với hải quân đi hết vùng này đến vùng khác gắn bó với biển đảo đến nay đã 7 năm. Do điều kiện công tác mà đến nay Hùng vẫn là lính "phòng không", hỏi tại sao chưa nghĩ đến chuyện vợ con, Hùng cho biết với người lính thì nhiệm vụ luôn đặt lên hàng đầu. "Mình còn trẻ, cứ cống hiến đã anh ạ, chuyện vợ con sẽ tính vào thời điểm thích hợp", Hùng bảo vậy, và anh nói rằng sẽ gắn cả cuộc đời với vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Là lính nhà giàn nhưng Hạ sĩ Lê Đức Khang, người con của vùng quê Diễn Châu, Nghệ An lại suy nghĩ: Đã là người lính thì ở đâu cũng vậy, đất liền cũng như hải đảo, tất cả đều là nghĩa vụ với Tổ quốc. Được biết Khang có lòng yêu biển từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Khang cho biết ước mơ sau này là được đi học sĩ quan để công tác lâu dài cùng đồng đội trên biển. Còn chiến sĩ Hoàng Khắc Trọng, quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa trên đảo Cô Lin cho biết: "Khi nhập ngũ và trải qua quá trình huấn luyện, em cũng phần nào hình dung được quần đảo Trường Sa qua sách, báo, tivi, nhưng khi ra đảo công tác, cống hiến, em càng thấy cuộc sống của mình thêm ý nghĩa".

Ở đảo Đá Lớn B, tôi gặp Thượng úy Nguyễn Văn Thắng, quê Nghĩa Hưng, Nam Định. Thắng chia sẻ: Sóng to, gió lớn cũng là điều kiện để anh em trên tàu rèn luyện sức chịu đựng, dẻo dai. Do xác định tốt nhiệm vụ nên dù khó khăn, gian khổ đến mấy anh em cũng vượt qua.

Lời thề trước biển

Với tuổi trẻ Trường Sa, tình yêu quê hương và khát vọng về biển khơi là những tâm sự dài kể mãi không hết. Tôi đã gặp những người con quê lúa Thái Bình trên đảo Sơn Ca như Thiếu úy Lưu Bá Nam, Trung úy Đào Trung Hưng, Thiếu tá Đỗ Như Cương, Đại úy Đỗ Đức Nam… Qua tâm sự, được biết các anh đều xác định tốt nhiệm vụ, bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Trở lại câu chuyện về Nguyễn Quốc Đức, tôi có hỏi về vốn liếng tiếng Anh có thể gọi là "đỉnh" cùng những năm tháng du học ở nước ngoài, vì sao Đức không chọn một ngành học nào đó đỡ vất vả hơn? Đức chân thành bộc bạch: "Mỗi người đều có một con đường để lựa chọn, em cũng có sự lựa chọn của mình và em tin là mình đã lựa chọn đúng".

Đức cũng tâm sự rằng, mong ước của anh sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ được học tiếp để theo con đường binh nghiệp và mong được trở lại vùng biển đảo của Tổ quốc. Đức còn kể rằng, cách đó ít ngày, Đức đã có dịp gặp lại người cha của mình khi ông có mặt cùng đoàn Việt kiều lên thăm đảo. Hôm ấy, hai cha con đã ôm nhau khóc vì xúc động. "Khi lên đảo, ba em cũng đã tặng cán bộ, chiến sĩ trên đảo món quà trị giá 200 triệu đồng. Khi chia tay ba, đứng trước biển, em đã hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ và cùng đồng đội vững tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi quê nhà, ba mẹ hãy đặt niềm tin ở đứa con trai duy nhất trong gia đình. Con sẽ phấn đấu không ngừng để thực hiện giấc mơ được phục vụ lâu dài trong quân đội và Trường Sa chính là nơi em lựa chọn để rèn luyện và thực hiện ước mơ, hoài bão ấy...". Khi chúng tôi trở về đất liền cũng là lúc Biển Đông đang dậy sóng do việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trái phép tại thềm lục địa của Việt Nam. Tôi gọi cho Đức hỏi thăm, không ngờ Đức lại rất bình tĩnh động viên lại: "Ở đất liền, anh và mọi người cứ yên tâm, ngoài này chúng em luôn sẵn sàng chiến đấu nếu kẻ thù xâm chiếm biển đảo của chúng ta". Đức cũng không quên cho số điện thoại và dặn tôi nhớ dành thời gian đến thăm, động viên ba, mẹ Đức.

Nghĩ về những chàng lính trẻ trên các vùng biển đảo, trong tôi chợt ùa về những vần thơ da diết của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: "Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/Những chàng trai ra đảo đã quên mình/…Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi…".

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vững vàng Trường Sa (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.