Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vững mạnh từ cơ sở

Hiền Lương| 16/05/2019 07:13

(HNM) - Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thành ủy Hà Nội đã tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở với những chủ trương đúng đắn, giải pháp căn cơ. Trong đó, việc triển khai thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên đang được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả.


Khẳng định một chủ trương đúng

Thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội và Quận ủy Hà Đông, Đảng ủy phường Mộ Lao đã tăng cường bố trí kiêm nhiệm đối với nhân sự ở chi bộ địa bàn dân cư, tổ dân phố, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vừa tập trung giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách (giảm 29 người), vừa chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ở địa bàn dân cư, 16/16 tổ dân phố của phường đều được công nhận là tổ dân phố văn hóa; phường ngày càng phát triển ổn định.

Tại huyện Thanh Trì, ghi nhận ở thị trấn Văn Điển và các xã Vĩnh Quỳnh, Tả Thanh Oai, Ngọc Hồi, Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp cho thấy, những nơi thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và nơi có trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên đều có chung đặc điểm là nội bộ đoàn kết, thống nhất.

Là Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 10, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm), đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết, ngoài khó khăn lớn nhất là công việc nhiều thì thuận lợi là cơ bản. Vì triển khai công việc rất nhanh, không phải báo cáo đi báo cáo lại giữa chi bộ và tổ dân phố. Chưa kể, quá trình thực hiện còn có thể huy động sự vào cuộc rất hiệu quả của đội ngũ đảng viên...

Từ góc nhìn khái quát hơn, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải khẳng định, nhờ thực hiện kiêm nhiệm, công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của tổ dân phố trên toàn quận có sự đồng bộ, liên thông tốt hơn so với trước đây.

Những ví dụ trên là kết quả việc thực hiện Kế hoạch số 109-KH/TU ngày 29-11-2018 của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội”. Mặc dù việc thực hiện mới là bước đầu và tập trung ở 2/6 nội dung của kế hoạch, song có thể khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, có tính khả thi và phát huy hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, theo Ban Tổ chức Thành ủy, một số cấp ủy Đảng chưa nhận thức đầy đủ, chưa đầu tư công sức xứng đáng cho việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 109-KH/TU. Tình hình triển khai thực hiện 4/6 nội dung khác của kế hoạch vẫn còn hạn chế. Đơn cử như tỷ lệ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chưa đạt 5% trong khi số lượng trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố chưa là đảng viên vẫn còn trên dưới 3.000 người (tương đương tỷ lệ gần 40%).

Mở rộng thí điểm, đa dạng giải pháp

Xác định Kế hoạch số 109-KH/TU có ý nghĩa quan trọng, hiện nay, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc các cấp ủy địa phương tổ chức thực hiện. Theo kế hoạch, chỉ có quận Long Biên và huyện Gia Lâm sẽ tham gia thí điểm thực hiện mô hình khoán kinh phí đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố. Nhưng Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định bổ sung thêm hai quận Hà Đông, Nam Từ Liêm và huyện Chương Mỹ tham gia thực hiện thí điểm.

Thực hiện chỉ đạo này, Ban Tổ chức Thành ủy đang bám sát tình hình ở cơ sở để hướng dẫn về mặt chuyên môn. Trong khi đó, nhiều cấp ủy địa phương cũng thể hiện quyết tâm khắc phục khó khăn để thực hiện Kế hoạch số 109-KH/TU. Đơn cử, Huyện ủy Thanh Trì đã ban hành Đề án số 14-ĐA/HU ngày 29-3-2019 với mục tiêu đến năm 2023, toàn huyện có 50% trở lên các thôn, tổ dân phố thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; 95% trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn chủ động chuẩn bị nhân sự để thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, cũng như thực hiện trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên.

Theo Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Nam Từ Liêm Lâm Quang Thao, mặc dù việc thực hiện Kế hoạch số 109-KH/TU của quận đã đạt kết quả bước đầu, nhưng khó khăn vẫn còn rất lớn, nhất là nguồn cán bộ ở địa bàn dân cư còn bất cập. Quận ủy quyết tâm tháo gỡ bằng cách: Một mặt tập trung tạo nguồn theo hướng trẻ hóa bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng tổ dân phố, tập trung vận động, thuyết phục đối tượng là sĩ quan quân đội nghỉ chế độ. Mặt khác, quận xác định, hầu hết tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố là những quần chúng tốt, có uy tín, nên sẽ tập trung bồi dưỡng để kết nạp Đảng.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Kế hoạch số 109-KH/TU là bước đi có tính nâng cao Đề án số 06-ĐA/TU về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Đây còn là sự cụ thể hóa việc thực hiện đổi mới hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vững mạnh từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.