(HNM) - Thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà được thành lập ngày 19-9-1981, được xem là trung tâm của vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Cũng giống như bao vùng khác ở Tây Nguyên, cây trồng phát triển mạnh nhất ở đây là cà phê.
Tuy nhiên, khi bày tỏ ý định viết về thế mạnh nhất kinh tế ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, ông Nguyễn Đức Tài không chút suy nghĩ giới thiệu ngay tới mô hình trồng hoa ở Nam Ban và nói còn hơn cả hoa Đà Lạt. Thật bất ngờ…
Lão nông Phạm Văn Tường chăm sóc hoa Hồng môn. |
Lạ thường sắc hoa Nam Ban
Đã nghe nhiều về sản phẩm hoa Lâm Đồng, nhưng chỉ là hoa trồng ở thành phố Đà Lạt, đẹp nổi tiếng và xuất hiện ở khắp mọi miền đất nước. Thêm vào đó, suốt dọc hai bên các đường trục chính khắp huyện Lâm Hà chỉ thấy rặt cà phê, chẳng thấy bóng dáng vườn hoa, không khỏi nảy sinh đôi chút hoài nghi. Tới thị trấn Nam Ban đã gần trưa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hoàng Ngọc Trọng đề nghị nghỉ ăn trưa nhưng đang phấn khích về hoa ở Nam Ban, tôi nằng nặc đòi dẫn ngay tới nơi trồng.
Giữa một màu xanh ngắt cà phê, nổi bật lên khu nhà kính trắng trồng hoa của hộ ông Phạm Văn Tường (tổ dân phố Chi Lăng). Anh Hoàng Thanh Duy, cán bộ khuyến nông thị trấn cho biết, đây là một trong những hộ trồng hoa thành công ở địa phương. Ông Tường quê ở Mê Linh, trước đây cũng trồng cà phê, nhưng chỉ với 2,5 sào (1 sào ở đây là 1.000m2) nên thu nhập không cao. Năm 2010, ông quyết định chuyển sang trồng hoa hồng. Nghề trồng hoa cũng như trồng rau, vất vả hơn nhiều, nhưng bù lại, lợi nhuận cao hơn hẳn. Ông Tường cho biết, giống lấy từ Đà Lạt, nhưng hoa của ông cứng cáp, tươi màu hơn hẳn và giá bán không thua hoa Đà Lạt. Với mức giá từ 3.000 đồng đến 10.000 đồng/bông tùy thời điểm, lại chủ yếu đóng gói chuyển đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi năm, vườn hoa 1,5 sào của ông cho lãi trên trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, anh Hoàng Thanh Duy, cán bộ khuyến nông thị trấn Nam Ban cho biết, người có công lớn và đạt được nhiều thành tựu trong nghề trồng hoa ở đây lại là vợ chồng anh Phạm Xuân Tuyền - Vũ Thị Nga, ở tổ dân phố Đông Anh 4. Quê ở Thanh Hà (Hải Dương), sau bao năm lăn lộn mưu sinh, mãi năm 2009, anh chị mới quyết định vào Nam Ban nhưng vốn hạn hẹp, chỉ mua được mảnh đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi". Hai vợ chồng phải mua đất nơi khác về cải tạo vườn và trồng hoa cẩm chướng, nhưng không thành công. Năm 2010, gia đình chuyển sang trồng hoa đồng tiền và với hơn 1,5 sào và chủ yếu bán cho thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mỗi năm gia đình họ thu về khoảng 150 triệu đồng. Anh Duy cho biết, thành công của anh chị Tuyền - Nga là "điểm tựa" vững chắc cho cả "xóm đất cằn" này mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng hoa công nghệ cao.
Hoa ở Nam Ban đẹp hơn hoa Đà Lạt? Lạ thật! Nhưng không đẹp, không có sức cạnh tranh, sao có thể bán ra hai thị trường khó tính, sành chơi nhất nước kia chứ. Thêm vào đó, Đà Lạt nằm ở độ cao trung bình 1.520m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình năm là 18,3 độ C, biên độ nhiệt trong ngày có thể lên tới 11-12 độ C. Chính sự "đỏng đảnh" của thời tiết đem lại lợi thế cho hoa Đà Lạt, nhưng có thể điều đó cũng khiến hoa ở đây mỏng manh, "yếu đuối" hơn? Lâm Hà nói chung, Nam Ban nói riêng nằm trên cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lang Biang, có độ cao trung bình trên 900m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình 21-22 độ C. Phải chăng, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, có phần dễ chịu hơn so với Đà Lạt nơi đây đã giúp cây hoa ở đây cứng cáp, mạnh mẽ hơn? Có lẽ vậy, bởi các hộ đều chưa từng trồng và có kinh nghiệm trồng hoa trước đó.
Nhân rộng vùng hoa Hà Nội trên cao nguyên
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hoàng Ngọc Trọng, quê ở Kim Nỗ, Đông Anh cho biết, xuất phát điểm của cây hoa ở Nam Ban cũng là từ những người con Hà Nội. Khu trồng hoa đầu tiên là ở tổ dân phố Từ Liêm 1. Khi đó, một số hộ gia đình gốc ở vùng hoa Tây Tựu - Từ Liêm mang đào Nhật Tân trồng thử nghiệm và thu kết quả khả quan. Cây đào đã bén rễ, trổ bông đúng Tết, đáp ứng nhu cầu đón Tết quê hương. Đây là tiền đề quan trọng cho các hộ khác mạnh dạn triển khai đầu tư nhà kính phát triển trồng những loại hoa khác dù không ít người đã nếm trải thất bại. Và, với ý chí, quyết tâm xây dựng quê hương mới, những người dân nơi đây đã, đang tạo ra diện mạo, sức sống mới cho khu kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng.
So với tổng diện tích đất nông nghiệp, hiện diện tích trồng hoa ở Nam Ban vẫn còn khá khiêm tốn. Nhưng giá trị kinh tế cây hoa đem lại cao hơn 10 lần so với những loại cây khác trên cùng diện tích đất trồng. Một ưu thế rõ rệt khác cây hoa có được là không đòi hỏi diện tích quá lớn, đặc biệt phù hợp với những hộ không có nhiều đất canh tác. Tuy nhiên, hạn chế của nghề trồng hoa ở Nam Ban hiện nay là vẫn còn mang tính tự phát, bà con phải tự tìm giống, tự học hỏi kỹ thuật. Nguồn vốn đầu tư ban đầu cho cây hoa lớn, khoảng 200 triệu đồng/sào, trong khi điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, hạn mức cho vay của ngân hàng không đủ đáp ứng nhu cầu. Để phát huy thế mạnh, Huyện ủy Lâm Hà đã có nghị quyết về phát triển nông nghiệp chất lượng cao giai đoạn 2010-2015 trong đó tập trung cho vùng trồng hoa, trồng rau. Về phía địa phương, UBND thị trấn Nam Ban cũng đẩy mạnh hỗ trợ bà con vay vốn ưu đãi, tập huấn khoa học, kỹ thuật. Bên cạnh đó, thị trấn đã đề nghị UBND huyện Lâm Hà có cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên doanh sản xuất theo mô hình "4 nhà", đăng ký thương hiệu hoa Nam Ban để cạnh tranh với các thương hiệu hoa khác…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.