Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vùng “đất chết” hồi sinh

Bùi Thanh Hải| 11/12/2013 06:43

(HNM) - Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng trên khắp mảnh đất hình chữ S này, những nạn nhân mới của bom mìn vẫn không thôi xuất hiện. Nỗi đau trong thời bình thậm chí còn đau xót hơn so với những ngày lửa đạn.


Hiểm họa trong lòng đất

Với người dân Quảng Bình, những chương trình phòng tránh bom, mìn sót lại sau chiến tranh đã liên tục "được tuyên truyền", thậm chí, hiểm họa do vật liệu nổ còn sót lại trong lòng đất đã được ngành giáo dục nơi đây đưa vào giảng dạy trong các trường học. Thế nhưng, tai họa vẫn rình rập vì nhiều lý do. Dù xảy ra đã được hơn một tháng (gần cuối tháng 10-2013), nhưng đến lúc này, người dân Quảng Bình vẫn nhắc lại vụ nổ xảy ra ở trường học tại huyện Tuyên Hóa.

Nhân viên MAG đang rà phá bom mìn tại Quảng Bình.



Ông Phạm Trung Hiếu, cán bộ Sở Ngoại vụ Quảng Bình kể: Khi đó, một em học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Hóa, nhặt được quả bom Blu 3B (còn gọi là bom bi dứa) ở bên ngoài rồi mang đến trường. Trong giờ ra chơi, em mang ra sân sau trường cho các bạn xem rồi nghịch. Không may, bom phát nổ. Hậu quả là em học sinh đó tử vong, 2 bạn đứng cạnh cũng bị thương nặng. Vụ nổ đã làm giáo viên và học sinh trong trường bàng hoàng. Người thân của em bé cũng không thể ngờ được rằng, chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng vẫn để lại những hậu quả thương tâm như thế. Trước đó, tại Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cũng xảy ra vụ nổ thương tâm khiến 1 em nhỏ thiệt mạng và 2 em khác bị thương khi nghịch bom bi.

Còn Trần Xuân Thắng, cán bộ điều phối của MAG kể, hơn 10 năm gắn bó với tổ chức phi chính phủ này, đến nay anh vẫn nhớ mãi tai nạn xảy ra cách đây 3 năm tại một xã gần cửa khẩu Cha Lo, huyện Minh Hóa (Quảng Trị). Khi đó, một gia đình người dân tộc, gồm 4 thành viên, đã phát hiện một quả bom nặng khoảng 750 pound (tương đương 340kg), còn sót lại. Họ đã cưa bom nhằm lấy 170kg thuốc nổ bên trong. Trước đó, những người này đã cưa nhiều quả bom thành công và họ cũng đã rút ra những kinh nghiệm riêng cho mình. Với quả bom này, họ cũng nghĩ đơn giản là giống như những quả bom trước mà không hề biết rằng, trong cùng một chủng loại bom thì các kíp nổ được tra khác nhau, có quả tra ngòi nổ hẹn giờ, nhưng có quả tra ngòi nổ bắt từ trường, có loại thì chạm nổ... Do vậy, cơ chế làm việc của từng quả bom cũng khác nhau. Khi cưa, không may chạm kíp nổ. Cả gia đình 4 người thiệt mạng, không còn nguyên xác.

Đó chỉ là một số ít câu chuyện về những cái chết thương tâm đã và đang diễn ra trên mảnh đất này. Theo anh Thắng, trung bình cứ 3, 4 tháng ở Quảng Bình lại xảy ra một vụ tai nạn do bom, mìn.

Nỗ lực mang lại sự bình an

Ông Sean Wetherill, Giám đốc điều hành kỹ thuật của MAG tại Quảng Bình cho biết: Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt. Vĩ tuyến 17, 18 được đánh giá là khu vực ô nhiễm nặng nề nhất của vật liệu nổ. Mong muốn của chúng tôi là giảm tối đa thiệt hại cho người dân, đem đến sự bình yên trên mảnh đất từng được mệnh danh là "túi bom" để người dân ổn định cuộc sống. Bởi vậy, MAG đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm. Năm 1999, tổ chức phi chính phủ của Anh này bắt đầu triển khai hoạt động rà phá bom mìn tại Quảng Trị, sau đó (năm 2003) mở rộng sang tỉnh Quảng Bình.

Kể từ khi có mặt ở Quảng Bình, đến nay, MAG đã có 4 đội kỹ thuật (mỗi đội gồm 14 người), 2 nhóm liên lạc cộng đồng. Tất cả đều là những người tâm huyết. Như anh Trần Xuân Thắng từng nhiều năm quân ngũ nhưng khi thấy hoạt động nhiều ý nghĩa của tổ chức đã tình nguyện tham gia. Anh kể, trong đội, cũng có nhiều bạn nữ làm công tác liên lạc cộng đồng. Công việc đòi hỏi sức dẻo dai, tận tụy vì phải đến từng nhà dân, tìm hiểu về những khu vực nguy hiểm, vẽ lại bản đồ, xác định vật liệu nổ và đánh dấu lại vị trí để chuyển cho đội kỹ thuật rà phá bom mìn tiến hành tìm kiếm, tháo dỡ đưa về khu vực tập kết trước khi đưa đi tiêu hủy. Có khi đi về những xã vùng sâu, cách văn phòng hàng chục cây số, bất kể ngày nắng cũng như khi mưa bão, các bạn đều không quản ngại khó khăn. Tâm sự về điều này, cô gái trẻ Hoàng Thị Mai Chi nói, tham gia tổ chức này đã được 6 năm, may mắn là được gia đình ủng hộ. Có 2 con nhỏ rồi nhưng chưa một lần nào Mai Chi lỡ hẹn với người dân ở những vùng khảo sát. Gia đình em nhận thấy ý nghĩa công việc em làm đều đã hết lòng ủng hộ. Ông bà nội, ngoại liên tục phụ giúp phần việc gia đình để em yên tâm công tác.

Theo Đội trưởng Đội 4 của MAG Lê Thế Tương, 10 năm có mặt tại Quảng Bình, rất may, toàn bộ anh em trong tổ chức chưa để xảy ra một sơ suất nào, dù là nhỏ nhất. Yêu cầu nghiêm ngặt là phải thực hiện từng thao tác sao cho thuần thục, anh em trong đội đều hiểu rõ. Khi xử lý một quả bom, tất cả đội phải đánh giá tình trạng quả bom đó chứ không thể áp dụng những kinh nghiệm dân gian. Các thành viên phải biết nguyên lý, cơ cấu của kíp nổ trước khi tháo gỡ. Đến nay, qua 10 năm triển khai công việc trên đất Quảng Bình, gần 2 triệu mét vuông đất đã được MAG tiến hành rà phá, xử lý gần 73 nghìn vật liệu nổ.

Để đất hồi sinh

Theo chân đoàn MAG tới các xã Hải Ninh, An Ninh, huyện Quảng Ninh những ngày qua mới thấy sự phấn khởi của người dân. Ông Võ Văn Kỷ, ở thôn Kim Nai, xã An Ninh nói: Kể từ khi anh em MAG đặt trạm, người dân mừng lắm. Chỉ về mảnh đất phía sau nhà, rộng 3.600m2, ông Kỷ nói:

- Chỗ đó, trước kia, khi phát quang, làm rẫy, gia đình liên tục đụng phải bom. Bữa ni, mấy chú vào làm, chúng tôi yên tâm rồi. Quyết tâm chuyển đổi trồng cây cao su của gia đình càng được khẳng định.

Còn đánh giá về hoạt động của tổ chức MAG, bà Đỗ Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình, đơn vị quản lý các dự án phi chính phủ cho biết, với hoạt động của mình, MAG đã thông tin để nhiều người dân cảnh giác với vật liệu chưa nổ, đồng thời hỗ trợ tỉnh Quảng Bình trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, tạo cho người dân cuộc sống an toàn hơn, hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là một trong 20 tổ chức phi chính phủ hoạt động hiệu quả tại địa phương có số tiền giải ngân lớn nhất lên đến hơn 1,8 triệu USD trong năm qua.

Thế nhưng, theo đánh giá của chuyên gia MAG, việc giải quyết ô nhiễm bom, mìn ở Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng, mới chỉ làm ở bề nổi. Hiện nay, nhân viên của MAG mới tiến hành rà phá theo thông tin của người dân cung cấp chứ chưa thể làm triệt để. Để làm "sạch" đất khỏi ô nhiễm bom mìn, Việt Nam cần quỹ thời gian là 30-40 năm nhưng vấn đề là phải có thêm đầu tư, phải có sự góp sức của nhiều tổ chức trên thế giới, chứ không chỉ là cố gắng của Chính phủ Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vùng “đất chết” hồi sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.