Xã hội

Vững chãi nơi đầu sóng

Tùng Lâm 13/02/2024 6:05

Từ năm 1989 đến nay, những nhà giàn DK1 sừng sững và nhiều thế hệ người con kiên trung đã chốt giữ trên những bãi đá ngầm tại thềm lục địa phía Nam Tổ quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất mẹ Việt Nam.

20240111_111242.jpg
Tàu công tác tiếp cận khu vực nhà giàn DK1 Phúc Nguyên 2.

Những nhà giàn sừng sững

Một ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chiếc xuồng công tác của tàu Trường Sa 04 đưa chúng tôi từ tàu mẹ vượt trên những con sóng để tiếp cận chân nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau, cách mũi Cà Mau đến 200km.

Giữa những nhịp sóng nhấp nhô cao đến 3m, từng thành viên đoàn công tác theo hiệu lệnh của thuyền trưởng bám nhanh vào những bậc thang trơn tuột, nhanh chóng leo lên sàn công tác của nhà giàn. Nơi đó, có 2 cậu lính trẻ cười tươi hỗ trợ chúng tôi trèo lên trên và nói trong tiếng gió: “Mời anh lên nhà ạ!”.

20240116_121539.jpg
Lên xuống nhà giàn trong mùa biển động là thách thức lớn với tất cả mọi người.

Lính nhà giàn gọi những ngôi nhà thép sừng sững giữa biển là “nhà”. Nhà giàn DK1/10 xây dựng từ năm 1994 cao khoảng 20m so với mặt nước biển, với 3 tầng nhà, mỗi tầng rộng khoảng 60m2. Tầng 1 là tầng kỹ thuật. Tầng 2 là nơi ở còn tầng 3 là sân đỗ trực thăng. Tất cả đều sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp.

20240116_122439.jpg
Lính nhà giàn tận dụng từng khoảnh nhỏ kín sóng, gió để trồng rau xanh, thực phẩm.

Những vạt rau xanh trồng trong các hộp xốp đặt bên rìa nhà giàn ở hướng kín gió đang vươn mình xanh nõn. Nơi tập luyện thể thao với những tay tạ bóng loáng mồ hôi người tập. Bếp với những xoong nồi, bát đĩa xếp ngay ngắn thẳng hàng; những giường ngủ chăn màn gấp vuông vức… Tất cả toát lên vẻ chỉn chu, chính quy và nền nếp của những người lính.

20240116_153250.jpg
Chi bộ Nhà giàn DK1/10 đóng vai trò nòng cốt trong việc cùng đơn vị triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Đại úy Nguyễn Đình Đức, Trưởng nhà giàn DK1/10 cho biết, dù đã qua 30 năm sử dụng, nhà giàn thế hệ thứ 2 này vẫn “dùng tốt”.

“Mùa nắng nóng có lúc anh em thiếu nước ngọt. Mùa gió bão sóng lớn có lúc khiến nhà giàn rung rinh. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, đơn vị vẫn luôn bám trụ địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển”, Đại úy Nguyễn Đình Đức nói.

20240112_141351.jpg
Nhà giàn DK1/5 trên bãi chìm Tư Chính.

Theo Bộ Tư lệnh Vùng II Hải quân, cả 15 nhà giàn Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là DK1) đang sừng sững trên biển Đông từ năm 1989 đến nay đã chứng minh tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa.

20240112_160858.jpg
Nhà giàn DK1 Tư Chính 5 hiện đã được xây dựng thêm nhà mới thế hệ thứ 3 bên cạnh nhà cũ thế hệ thứ 2.

Điển hình là việc những nhà giàn DK1 đã bảo vệ vùng biển rộng lớn để các giàn khoan dầu khí hoạt động hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển của đất nước suốt thời gian qua. Đây cũng là nơi ngư dân đánh bắt khơi xa nương tựa khi gặp khó khăn giữa biển.

Nhưng đi kèm với đó còn có những hy sinh mất mát lớn lao của những người lính.

20240111_100713.jpg
Một tàu cá của ngư dân Khánh Hòa đang hoạt động trên vùng biển nơi có nhà giàn trên bãi chìm Phúc Nguyên.

Đại tá Trần Hồng Hải, Phó Chính ủy Vùng II Hải quân cho biết vào những năm 1990, 1996, 1998 và 2000, do khí hậu khắc nghiệt và sự tàn phá của bão tố đại dương, một số nhà giàn đã bị đổ khiến một số cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

20240111_081527.jpg
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh khi chốt giữ trên các nhà giàn DK1 bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

“Vào thời khắc giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, các đồng chí đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn; bám trụ đến cùng, không rời vị trí chiến đấu, chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Một cái chết để muôn ngàn lần sống. Những cái chết rực khí phách kiên cường, sáng lên lòng quả cảm”, Đại tá Trần Hồng Hải nói.

Những con người kiên trung

Tôi đã được gặp những con người như thế trong chuyến hải trình hơn 2.000km đến các DK1 giữa biển. Kiên trung mà bình dị; không muốn mình xuất hiện nổi bật trên báo chí... là những gì tôi cảm nhận được từ họ.

Điển hình như Thiếu tá Bùi Văn Thọ đang cùng đồng đội chốt giữ tại Nhà giàn DK1/10. Tháng 3-2023 anh ra biển làm nhiệm vụ, vừa lên nhà giàn thì nhận tin người cha già ở nhà đã qua đời.

20240116_140247.jpg
Thiếu tá Bùi Văn Thọ (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội và đoàn công tác gói bánh chưng đón Tết Giáp Thìn 2024 trên nhà giàn.

“Không thể về nhà dù biết tin cha mất, trong lòng tôi cũng có chút chơi vơi. Nhưng được anh em trong đơn vị chia sẻ, các cấp chỉ huy động viên, tôi đã vượt qua thời khắc khó khăn đó để cùng đơn vị hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Xin hẹn tạ lỗi với cha ngày được về đất liền”, Thiếu tá Bùi Văn Thọ nói.

Còn với Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Tiến Dũng, tôi ấn tượng với cách anh sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Khi ấy, tàu neo gần nhà giàn DK1/5 trên bãi chìm Tư Chính nhưng sóng lớn khiến tàu không thể hạ xuồng đưa người tiếp cận nhà giàn. Sau những giây phút bàn bạc, người chỉ huy và Đại úy Dũng quyết định “bơi theo dây” để lên nhà giàn nhận nhiệm vụ.

20240117_101350.jpg
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người lính nhà giàn DK1 luôn thể hiện những phẩm chất để mọi người tôn trọng, kính phục.

Một sợi dây dài khoảng 300m thả xuống biển nối từ nhà giàn đến tàu. Dũng mặc áo phao và thiết bị cứu hộ nhảy xuống biển thực hiện động tác bơi dây, nhấp nhô trong những con sóng cao đến 4m. Đầu phía nhà giàn, các đồng đội kéo dây hỗ trợ. Sau những phút nghẹt thở theo dõi, tôi cùng đoàn công tác bật reo khi Dũng tiếp cận nhà giàn, leo lên sàn công tác. Anh quay lại cười rất tươi và vẫy chào mọi người trên tàu rồi ngay lập tức cùng đồng đội trên ngôi nhà mới làm nhiệm vụ.

20240112_160838.jpg
Chiến sĩ nhà giàn DK1 vẫy cờ Tổ quốc tạm biệt đoàn công tác.

Và một người lính trẻ nữa gây ấn tượng mạnh với tôi, đó là Nguyễn Tấn Giàu, sinh năm 2002, quê tại thành phố Vũng Tàu. Vắng cha từ nhỏ, Giàu cùng mẹ và anh trai đã có những tháng ngày vất vả làm đủ mọi việc để kiếm sống. Từ năm học lớp 10 đến nay, Giàu làm thêm mọi việc như một lao động phổ thông để giúp mẹ trang trải tiền học của mình. Sau khi tốt nghiệp THPT và học nghề, Giàu lên đường nhập ngũ.

20240109_075915.jpg
Nguyễn Tấn Giàu tươi tắn trong ngày lên đường nhận nhiệm vụ.

Khác với hình ảnh cậu trai bẽn lẽn trên quân cảng khi chia tay bạn gái lên đường làm nhiệm vụ của người lính; khác với vẻ hồn nhiên khi là “con út” của cả đoàn công tác trên tàu suốt cuộc hải trình 2.000km trên biển Đông, Giàu đã rắn rỏi, vững chãi hơn khi tôi gặp lúc em đứng gác dưới cờ Tổ quốc trên sân thượng Nhà giàn DK1/10, vuông vức chắc khỏe trong bộ quân phục dã chiến.

20240116_123120.jpg
Chiến sĩ Nguyễn Tấn Giàu vững chãi trong phiên gác trên nhà giàn DK1/10.

Giàu tâm sự sau khi hết phiên gác: “Em đã hứa với mẹ và cấp trên: Dù có vất vả, khó khăn, em sẽ quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin mọi người gửi gắm; xứng đáng với vinh dự người lính Hải quân được làm nhiệm vụ ở tuyến đầu Tổ quốc. Em tin mình sẽ trưởng thành và có ích hơn sau những tháng ngày gắn với quân ngũ”.

Vùng II Hải quân hiện đang quản lý vùng biển rộng hơn 300.000km2 từ Nam Bình Thuận đến Bạc Liêu. Tại đây có 15 nhà giàn DK1 tại các bãi ngầm Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, bãi Vũng Mây, bãi Ba Kè, bãi Đất, bãi Đinh, bãi cạn Cà Mau...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vững chãi nơi đầu sóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.