Nghị quyết và Cuộc sống

Vững bước tới tương lai

PGS.TS Trần Viết Lưu 24/02/2024 10:10

Đối với một đời người thì 70 tuổi là “thất thập cổ lai hy”, nhưng với một Thủ đô hơn ngàn năm tuổi thì khoảng thời gian đó như “bóng câu qua cửa sổ”.

Đã ngót 70 năm kể từ ngày giải phóng (10-10-1954) đến mùa xuân Giáp Thìn 2024 này, trải biết bao biến thiên lịch sử, Thủ đô Hà Nội ngày càng tỏa sáng, rạng ngời tương lai, xứng danh là nơi hội tụ linh khí nước Nam, Thành phố vì hòa bình, Thủ đô của phẩm giá và lương tri con người...

hn-1.jpg
Ảnh: Viết Thành

Khắc ghi lời dạy của Người

Những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, Thủ đô Hà Nội là chốt chặn cuối cùng. Với tinh thần "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", Hà Nội đã truyền cảm hứng vào trang sử hào hùng dân tộc, để dân tộc ca khúc khải hoàn làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Sau chiến thắng, Đại đoàn Quân tiên phong theo chân Bác Hồ trở về Thủ đô yêu dấu. Dưới chân núi Nghĩa Lĩnh và đền Hùng linh thiêng, Người căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời dạy của Bác là tiếng vọng hồn thiêng xã tắc, trao truyền mạch nguồn lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước, giữ mãi sự trường tồn của dân tộc.

Ngay từ mùa thu năm 1954, trong những ngày cuối cùng lưu lại "Thủ đô gió ngàn", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương bàn nhiều việc cần kíp cho ngày tiếp quản, giải phóng Thủ đô. Trước hết là việc thành lập chính quyền song hành quân chính và hành chính, việc sắp xếp bộ máy bảo đảm an toàn, an ninh tuyệt đối cho Thủ đô, việc sớm ổn định đời sống nhân dân, đưa Thủ đô bước sang chặng đường lịch sử mới, xây dựng chế độ mới, làm cho Thủ đô ta thực sự là biểu tượng của một dân tộc văn hiến, anh hùng, khởi dựng chế độ mới. Người gửi gắm kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đối với Thủ đô (trong "Lời kêu gọi nhân Ngày Giải phóng Thủ đô"): "Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ cố gắng, quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh".

Nhân dân Thủ đô thấu hiểu tình cảm và kỳ vọng của Bác, thấy rõ vai trò, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với Hà Nội, của Đảng bộ, chính quyền Thủ đô, đặc biệt là sứ mệnh lịch sử được đặt lên đôi vai người Hà Nội. Dù bận trăm công nghìn việc song Người vẫn dành thời gian thăm người nghèo khó vào sát giao thừa, khảo sát việc đắp đê phòng tránh lũ lụt, chỉ ra khuyết điểm có chỗ đắp đất, cấy cỏ bảo vệ đê chưa đúng kỹ thuật, xắn quần lội ruộng thăm cánh đồng lúa, trồng cây gây rừng, đón chào và chia kẹo cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, cảm thông cho nỗi khó nhọc của người lao công quét rác trên phố. Ngay cả lúc lâm bệnh nặng, Người vẫn nhắc việc lo trực đê, có phương án sơ tán người dân để tránh lũ lụt. Lời nói và việc làm của Bác như ánh sao khuê của lòng nhân ái bao la, là nét đẹp truyền thống văn hiến "yêu nước, thương nòi", tiếp thêm động lực để Thủ đô trở thành nơi "lửa thử vàng" cho sức mạnh Việt Nam.

Làm theo lời Bác dạy, suốt 70 năm qua, Thủ đô Hà Nội cùng đồng bào cả nước nêu cao chí khí "ôm đất nước những người áo vải", tạc vào thế kỷ XX hình tượng Việt Nam bất khả chiến bại, khát vọng độc lập, tự do, hòa bình. Công cuộc tái thiết đất nước và Thủ đô sau ngày hòa bình lập lại diễn ra mạnh mẽ. Thủ đô Hà Nội như một đại công trường với những công trình hiện đại, đặt nền móng cho sản xuất công nghiệp ở miền Bắc. Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo là cánh chim đầu đàn trên bầu trời xã hội chủ nghĩa từ cuối những năm 1950. Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô (trong đó có vùng Hà Tây quê lụa) đã đi đầu trong việc tạo ra nền nếp làm ăn tập thể cho người nông dân, làm nên sức sống mới cho nền kinh tế thời chiến, vừa giữ vững trận địa an ninh lương thực hậu phương, vừa cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền phương và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào, Campuchia. Thủ đô Hà Nội là nơi gieo niềm cảm hứng làm lan tỏa chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho đồng bào cả nước với các phong trào thi đua yêu nước "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Ba điểm cao", "Ba quyết tâm", "Hai tốt"...

hn-2.jpg
Hà Nội - “trái tim” của cả nước luôn là niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Lê Việt Khánh

Đường lớn mở hướng tương lai

Nhìn lại những cột mốc vĩ đại, có tính bước ngoặt của lịch sử nước nhà kể từ ngày có Đảng và Bác Hồ soi đường, chỉ lối, có thể khẳng định: Hà Nội luôn ở vị trí tiên phong, mở ra không gian lớn về địa chính trị, xuất phát điểm ở nấc thang cao hơn, đưa lịch sử dân tộc bắt nhịp xu thế thời đại.

Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, bầu trời Hà Nội rực lửa chiến tranh, Hà Nội không những không bị đẩy về thời kỳ đồ đá mà còn ngẩng cao đầu, là sứ giả của hòa bình, sức mạnh của chân lý thời đại "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Năm 1976, Quốc hội thống nhất họp, Hà Nội vinh dự được chọn làm Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 12-1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã "khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học". Sự quyết đoán ấy có một phần được thai nghén từ thực tiễn Thủ đô Hà Nội. Với mệnh lệnh đổi mới, Thủ đô lại đóng vai trò tiên phong, mạnh dạn chuyển đổi từ cơ chế quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kiên trì và quyết đoán, chủ động và sáng tạo, cởi trói tư duy kinh tế nhưng không chia rẽ tinh thần đại đoàn kết, tất cả cùng mục tiêu thoát nghèo, hưng thịnh, là đầu tàu đổi mới hướng tới "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng".

Sau gần 40 năm đổi mới, Thủ đô Hà Nội đã vươn tầm cao mới: Nơi giàu nhất về nguồn lực tinh hoa của đất nước; dân số ở hàng đầu; không gian địa lý được mở rộng, không gian văn hóa thêm phần đa dạng, phong phú, giữ được hồn cốt của văn hiến kinh kỳ; thể chế chính trị được củng cố theo hướng đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi sự phát triển; bộ máy Đảng, chính quyền được hoàn thiện để thực sự là giá trị của đạo đức, văn minh; quy hoạch và kiến trúc qua 7 lần điều chỉnh đã thể hiện tầm nhìn thế kỷ, vừa bảo tồn giá trị cổ xưa, vừa phát triển theo hướng hiện đại, văn minh; quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững; đối ngoại ngày càng rộng mở, là nơi kết giao bạn bè trên thế giới, điểm đến của sự hội tụ tinh hoa nhân loại và sự lan tỏa giá trị Việt Nam trên toàn cầu...

Đó thực sự là những viên kim cương lấp lánh hào quang lịch sử, định hướng con đường rộng mở tương lai, nâng cao nguồn lực vật chất, tạo động lực tinh thần cho Thủ đô Hà Nội trở thành đầu tàu đưa cả nước tiến đến mục tiêu chiến lược vào năm 2030 (nhân 100 năm thành lập Đảng) và năm 2045 (nhân 100 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Với tầm nhìn đi trước, Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị đã khai mở đường lớn đi tới tương lai cho Thủ đô. Luật Thủ đô được sửa đổi căn bản lần này, sẽ mở ra không gian pháp lý cho Thủ đô chủ động, sáng tạo dựng nên nghiệp lớn.

Nhìn lại 70 năm kể từ Ngày Giải phóng Thủ đô, những ai yêu Hà Nội đều cảm thấy tự hào. Hà Nội luôn là niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam, chiếm trọn lòng mến mộ, là nơi đáng đến, đáng lưu lại để thưởng ngoạn cảnh đẹp, thưởng thức văn hóa ẩm thực, trải nghiệm cuộc sống yên bình.

Xuân Giáp Thìn 2024 đã tới, náo nức nhân tâm, ríu rít tiếng cười vui nguyện cầu quốc thái dân an, mọi người, mọi nhà an khang, thịnh vượng. Chúc cho Thủ đô ta rạng ngời tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vững bước tới tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.