Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vừa xong thi công đã… xuống cấp

Đức Hải| 29/08/2011 23:22

(HNMO)- Vài năm trước, đường đê sông Hồng đoạn cầu Chương Dương- Bát Tràng đã bị xuống cấp nghiêm trọng…

Ngày 21-6-2009, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có quyết định phê duyệt dự án nâng cấp đường đê nối tỉnh Hưng Yên (đoạn từ cầu Chương Dương đến hết địa phận Hà Nội). Theo đó, đoạn đường được nâng cấp có chiều dài hơn 10 km (từ km 67+165 đến km 77+212); tải trọng thiết kế H18; kết cấu mặt đường cứng bê tông xi măng mác 300, dày 26cm trên lớp móng đường cấp phối đá dăm… Dự án do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư; Ban quản lý dự án Giao thông- Đô thị được giao là đại diện chủ đầu tư. Dự án có Tổng mức đầu tư hơn 49,3 tỷ đồng (trong đó giá trị xây lắp hơn 41,6 tỷ đồng) từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội.

Ông Nguyễn Minh Tước, Trưởng phòng quản lý dự án 3 (Ban QLDA Giao thông- Đô thị) cho biết, tuyến đường được chia thành 2 đoạn (đoạn 1: từ cầu Chương Dương đến dốc Thạch Bàn (từ km 67+165 đến km 71); đoạn 2: từ dốc Thạch Bàn đến hết địa phận Hà Nội (từ km 71 đến km 77+212). Tuyến đường do 2 nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Xây dựng số 4 Thăng Long và Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Gia Lâm. Công việc thi công được bắt đầu vào giữa năm 2010.

Đầu năm 2011, dự án nâng cấp, cải tạo đoạn đường từ cầu Chương Dương đến hết địa phận Hà Nội đã được hoàn thành, thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn mặt đường đã xuất hiện dấu hiệu bong tróc, hư hỏng. Ngày 29-8, khảo sát dọc tuyến đường này, theo ghi nhận của phóng viên Hànộimới Online, đoạn từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì hầu như không có vết nứt, vỡ, nhưng đoạn từ cầu Thanh Trì đến hết địa phận Hà Nội thì có khá nhiều vết nứt, vỡ, một số điểm còn bị lún sâu thành “ổ gà”, gần cuối tuyến (đoạn giáp ranh với địa phận Hưng Yên) cả một đoạn đường kéo dài hàng chục mét mặt đường bị bong tróc, trơ mặt đá.

Vừa xong thi công chưa lâu mặt đường đê Chương Dương- Bát Tràng đã bị rạn nứt


Nhiều người dân sinh sống ven đường đoạn cuối tuyến ngao ngán: “Chúng tôi đã phải khổ sở trong nhiều năm vì đường xuống cấp đi lại khó khăn. Chưa kịp mừng vì đường được nâng cấp, cải tạo khang trang thì nó đã có dấu hiệu xuống cấp. Có lẽ, với đà này chẳng mấy chốc tuyến đường sẽ trở lại nát vụn như thời gian cách đây khoảng hơn 1 năm”.

Do xe quá tải?

Để tìm hiểu nguyên nhân vừa hoàn thành thi công đã có dấu hiệu xuống cấp, chúng tôi đã có buổi làm việc với Ban QLDA Giao thông- Đô thị. Ông Đặng Tiến Doãn, Phó Giám đốc Ban QLDA Giao thông- Đô thị cho biết, trên thực tế dự án được thi công trong tình trạng vừa thi công, vừa phải bảo đảm sự lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến, trong đó có tuyến xe buýt số 47. Trong quá trình thi công, mặc dù đã cắm biển hạn chế xe có tải trọng lớn nhưng vẫn có xe tải hạng nặng lưu thông nên không tránh khỏi ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Không mấy khó khăn để bắt gặp vết rạn nứt như thế này tại đoạn cuối (khoảng hơn 2 km) của đoạn đường đê Chương Dương- Bát Tràng


Lý giải vì sao trên tuyến đường chỉ có đoạn từ cầu Thanh Trì đến hết địa phận Hà Nội xuất hiện dấu hiệu bong tróc, hư hỏng, ông Doãn cho rằng, đoạn đường từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì còn có đường khác chạy song song nên khi thi công các phương tiện có thể lưu thông vào đường này, còn đoạn đường từ cầu Thanh Trì đến hết địa phận Hà Nội là đoạn đường “độc đạo” nên khi thi công các phương tiện “bất đắc dĩ” vẫn phải đi qua đây. Không những thế, theo ông Tiến, nhiều xe tải trọng nặng chở vật tư, thiết bị chạy từ cầu Thanh Trì qua đoạn đường kể trên để phục vụ dự án khu đô thị Ecopack; bên cạnh đó đoạn đường trên còn phải “gánh” chịu nhiều xe tải trọng nặng chở gốm sứ, vật liệu, đất đá từ Bát Tràng lên cầu Thanh Trì. Công trình vừa thi công vừa khai thác sử dụng, có nhiều xe tải trọng nặng chạy ở một số khu vực cường độ bê tông chưa đạt đủ theo yêu cầu thiết kế nên dẫn đến tình trạng như hiện nay.

Cả một đoạn đường kéo dài hàng chục mét, nửa mặt đường bị bong tróc, trơ đá


Khi được hỏi về phương án cấm xe lưu thông trên tuyến đường để đảm bảo chất lượng đường trong quá trình thi công, ông Tiến cho biết, có đề xuất phương án (bằng miệng) nhưng không được Sở Giao thông Vận tải chấp thuận(?) Theo ông Tiến, Ban QLDA Giao thông- Đô thị đã có văn bản đề xuất biện pháp xử lý mặt đường đoạn đang bị bong tróc, nứt vỡ với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Nếu được chấp thuận, nhà thầu sẽ tiến hành tưới nhựa dính bám, vá lại bằng bê tông nhựa hạt trung. Nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm về kinh phí sửa chữa (dự kiến khoảng 100 triệu đồng) vì công trình vẫn đang trong thời gian bảo hành.

Tuy nhiên, trước khi tiến hành sửa chữa, dư luận cho rằng, cần phải tiến hành kiểm định, đánh giá và có kết luận rõ ràng về chất lượng công trình dự án nâng cấp đường đê nối tỉnh Hưng Yên, chứ không chỉ đưa ra nguyên nhân chủ quan là do xe quá tải. Bởi ngay trong văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mới đây, Ban QLDA Giao thông- Đô thị cũng nhận định: “Nguyên nhân có thể do xe tải trọng nặng” gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vừa xong thi công đã… xuống cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.