(HNM) - Bên cạnh những ca khúc âm nhạc hiện đại, thời gian qua, âm nhạc truyền thống cũng góp tiếng nói tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 thông qua nhiều tác phẩm đặc sắc. Trong đó, nổi bật có tác giả kịch hát truyền thống Lê Thế Song đã soạn lời, chuyển thể âm nhạc, cho ra mắt gần 20 tác phẩm, vừa góp phần vào công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, vừa lan tỏa âm nhạc truyền thống trong cộng đồng. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với tác giả Lê Thế Song về những tác phẩm này.
- Là soạn giả, tác giả sân khấu, tại sao thời gian này ông lại dành nhiều tâm sức viết ca khúc âm nhạc truyền thống tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19?
- Viết ca khúc là cách hiệu quả để phổ biến những nội dung cổ vũ, động viên các lực lượng và toàn dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Hơn nữa, được chứng kiến lực lượng y, bác sĩ tài năng, quên mình bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, trong đó có những người bạn của tôi đang làm nhiệm vụ thiêng liêng, đã nhiều tháng nay chưa về nhà, tôi thực sự cảm động và muốn được viết những bài hát tri ân tới họ.
- Ông có thể giới thiệu một số bài hát mình sáng tác, soạn lời về đề tài này?
- Hiện tại tôi đã sáng tác được gần 20 ca khúc, chủ yếu là thể loại chèo, cải lương và đang phổ biến trên kênh YouTube qua giọng ca của nhiều nghệ sĩ âm nhạc truyền thống nổi tiếng. Có thể kể đến là bài “Tình anh người chiến sĩ áo trắng”, “Hãy đợi em về”, “Vượt hết chông gai”, “Nụ cười chiến thắng”, “Ngày về chiến thắng”, “Khúc hoan ca chiến thắng corona”…
- Viết bài hát tuyên truyền bằng âm nhạc truyền thống có khác với âm nhạc hiện đại không, thưa ông?
- Tôi vốn là tác giả kịch hát dân tộc với khoảng 30 vở diễn đã được dàn dựng, biểu diễn. Âm nhạc truyền thống đã thấm vào máu, nên việc chọn làn điệu, soạn lời cho ca khúc dễ dàng hơn. Tôi thấy rằng, âm nhạc truyền thống có rất nhiều làn điệu trữ tình phù hợp để tuyên truyền và thể hiện những nội dung này, như trong chèo có điệu “Chinh phụ”, “Luyện năm cung”, “Đào liễu”, “Quân tử vu dịch”… hay cải lương có những điệu ca vọng cổ.
- Ông đánh giá thế nào về sức lan tỏa của âm nhạc truyền thống trong đề tài này?
- Ban đầu tôi sáng tác từ thôi thúc và trách nhiệm của bản thân. Nhưng rồi, tôi rất bất ngờ vì các ca khúc nhận được sự hưởng ứng của nhiều nhà hát nghệ thuật truyền thống và nghệ sĩ nổi tiếng, như các Nghệ sĩ nhân dân: Tự Long, Thúy Ngần, Thanh Tuấn, Thanh Hương; các Nghệ sĩ ưu tú: Diệu Hằng, Phương Mây, Bích Ngọc; hay các giọng ca trẻ như Quốc Phòng, Võ Minh Lâm… Nhiều nghệ sĩ đã thu âm và đăng tải các ca khúc trên YouTube, Facebook, Zalo…, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần tuyên truyền phòng, chống dịch. Chẳng hạn, ca khúc “Bắc Ninh - Bắc Giang, niềm tin chiến thắng” do Nghệ sĩ nhân dân Tự Long và nghệ sĩ Xuân Hồng biểu diễn đã có 12.000 lượt chia sẻ, gần 2 triệu lượt xem… Các tác phẩm cũng nhận được phản hồi tích cực từ khán giả, trong đó nhiều người bày tỏ yêu thích âm nhạc truyền thống. Tôi nghĩ, đây là cơ hội để nghệ thuật truyền thống đến với đông đảo khán giả hơn và có được lớp khán giả mới sau khi dịch bệnh qua đi.
- Chắc hẳn việc sáng tác ca khúc tuyên truyền phòng, chống dịch của ông vẫn chưa dừng lại?
- Đúng vậy, tôi định viết thêm về ca khúc mang âm hưởng một vài làn điệu dân ca truyền thống khác nữa. Còn về nội dung, tôi rất muốn dịch Covid-19 sớm kết thúc để viết nhiều hơn những ca khúc mang nụ cười chiến thắng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.